Không nên chỉ định thầu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ làm cao tốc Bắc – Nam

Không nên chỉ định thầu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ làm cao tốc Bắc – Nam

Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng nay (8/6) về việc Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà làm cao tốc Bắc – Nam, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Quảng Bình cho biết, kế hoạch đầu tiên, dự án này sẽ đưa ra đấu thầu ở quốc tế nhưng sau đó đấu thầu ở Việt Nam.

Vì các đại biểu cho rằng nên mở rộng cho DN Việt Nam tổ chức đấu thầu chứ không nên cho DN nước ngoài vào. Thực tế nhiều DN nước ngoài vào một số dự án làm cản trở và quá trình thực hiện không đúng tiến độ làm chi phí tăng lên gấp hai lần.

Bước 1, Bộ GTVT có định hướng rà soát để DN Việt Nam tham gia vào đấu thầu, Bộ xây dựng có ý kiến chỉ định thầu. 

"Tôi không đồng tình chỉ định thầu vì theo quy định luật pháp phải đấu thầu. Trong việc chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích DN và đồng thời không dễ rà soát được đối tượng chỉ định thầu đó có đúng hay không" ông Phương nói.

Nhất là khi chỉ định DN thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế nên tôi hoàn toàn không đồng tình.

Luật pháp có quy định công khai minh bạch rõ ràng, khuyến khích cạnh tranh.  Phải xem xét lại quá trình cạnh tranh, DN nào quản lý chỉ đạo mà sức cạnh tranh yếu thì phải xem xét lại lãnh đạo DN ấy.  

“DN làm ăn thua lỗ thì không nên có giải pháp đầu tư giúp đỡ và tạo điều kiện. Đây có thể là biểu hiện chạy chọt và cá nhân lợi ích nhóm”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương lưu ý.

“Người đầy đủ khoẻ mạnh bao giờ cũng tốt hơn người bị khiếm khuyết”

ĐB Đỗ Văn Sinh, ủy viên Thường trực UB Kinh tế cho rằng, đó là việc của Chính phủ vì trên thực tế, khi triển khai thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Có hai hình thức, một là đấu thầu, hai là chỉ định thầu.

Về mặt nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu vì sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu. Ngoài ra, cũng có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.

Không nên chỉ định thầu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ làm cao tốc Bắc – Nam ảnh 1
ĐB Đỗ Văn Sinh

“Còn chỉ định ai thì phải đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu. Chỉ định một ông mà sau này làm dự án chậm trễ thì là trách nhiệm của người chỉ định thầu”, ĐB Sinh nhấn mạnh.

Nói về việc Tổng Công ty Sông Đà đã có khoản nợ rất lớn 11 nghìn tỷ nhưng lại được chỉ định thầu, ông Sinh lưu ý, khi muốn chỉ định thầu thì phải xác định được tiêu chí để chỉ định. Đấu thầu cũng như vậy, phải xác định được tiêu chí, thứ nhất phải có năng lực thi công, thứ đến là phải có năng lực tài chính.

“Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu để thi công? Rõ ràng đây là câu chuyện hồ sơ mời thầu đặt ra và người quyết định hồ sơ  phải chịu trách nhiệm về điều đó”, ĐB Đỗ Văn Sinh nói.

ĐB ví von: “Nếu người ta khoẻ về mọi mặt thì người ta sẽ làm tốt hơn, một người đầy đủ khoẻ mạnh thì bao giờ cũng tốt hơn người bị khiếm khuyết”.

Vì vậy ông cho rằng để minh bạch thì phải thực hiện tốt từ  hồ sơ mời thầu, kế đến là tổ chức đánh giá năng lực có đúng hay không đúng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm mỗi vai nhất định.

Mới đây Bộ Xây dựng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dù DN đang thua lỗ.

Cụ thể, DN này có nợ phải trả đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính (3 lần).

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, về mặt kinh tế Tổng công ty Sông Đà đã đầu tư khá nhiều máy móc, tham gia nhiều công trình do đó để giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20.000 cán bộ công nhân viên, kỹ sư của Tổng công ty.

Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng xin được chỉ định thầu.

Không chỉ Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng cũng đăng ký các đơn vị có năng lực tham gia.

“Với những công trình này DN Việt đều có đủ năng lực, kỹ thuật để thực hiện vì vậy nên ủng hộ các doanh nghiệp trong nước”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói.

Liên quan đến tình hình công nợ tại Tổng công ty Sông Đà, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay không chỉ riêng Sông Đà, rất nhiều công trình hiện nay cũng nợ lại khối lượng thanh toán cho các nhà thầu.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ