Không được dạy dồn tiết, cắt xén chương trình sau nghỉ rét

GD&TĐ - Hôm nay (26/1), các tỉnh phía Bắc tiếp tục rét đậm; nhiều tỉnh có mưa khiến thời tiết càng lạnh giá. Trước tình hình này, các Sở GD&ĐT đều có công văn nhắc nhở đảm bảo sức khỏe cho học sinh; đồng thời lưu ý phương án tổ chức dạy học bù hợp lý.

Không được dạy dồn tiết, cắt xén chương trình sau nghỉ rét

Tại Hải Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu, trong những ngày nghỉ rét đậm, rét hại, nhà trường cần bố trí cán bộ trực đảm bảo mọi hoạt động hành chính bình thường. Các trường quy định thống nhất hoặc có phương án phối hợp, liên lạc để các bậc phụ huynh học sinh nắm được thông tin nghỉ học kịp thời; phối hợp quản lý, tổ chức cho học sinh ôn tập tại nhà.

Trong những ngày rét đậm, không tổ chức cho học sinh hoạt động ngoài trời, cần đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong các giờ học Thể dục.

Giáo viên nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày rét đậm.

Với các trường có tổ chức bán trú cần đảm bảo chỗ nghỉ trưa ấm áp; trường mầm non cần có nước ấm để phục vụ, chăm sóc trẻ. Các trường học, các lớp điểm lẻ cần tập trung rà soát, kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất phòng học, hệ thống cửa, đèn chiếu sáng để tránh gió lùa và đủ ánh sáng, đảm bảo an toàn cho học sinh ôn tập.

Cũng với những yêu cầu như Sở GD&ĐT Hải Dương, Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh thêm nội dung: Trong những ngày nghỉ do trời rét đậm, rét hại, nhà trường cần bố trí cán bộ, giáo viên trực để quản lý những học sinh vẫn đến trường. Đồng thời, phải đảm bảo mọi hoạt đọng hành chính của nhà trường diễn ra bình thường; thông báo tới cha mẹ học sinh để quản lý và đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong thời gian nghỉ.

Căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường có thể điều chỉnh thời gian học cho phù hợp; hạn chế các hoạt động ngoài trời. Có phương án học bù để đảm bảo thời gian theo đúng quy định chương trình của Bộ GD&ĐT.

Tại Vĩnh Phúc, Sở GD&ĐT cũng cho các trường chủ động điều chỉnh thời gian học phù hợp, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm; thu xếp để học sinh đến muộn vì lý do thời tiết được vào học. Đồng thời, nhấn mạnh việc phân công giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, nhắc nhở học sinh phải mặc đủ ấm, không bắt buộc các em mặc đồng phục nếu không đủ ấm.

Đặc biệt với những trường có tổ chức bán trú, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh.

Cụ thể, đảm bảo đủ suất ăn, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng; chỗ nghỉ trưa ấm áp; chuẩn bị các loại thuốc men phục vụ công tác y tế học đường... Trường mầm non, ngoài nội dung trên phải đảm bảo đủ nước ấm để chăm sóc, phục vụ trẻ.

Sau nghỉ rét, căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhà trường cần nhanh chóng ổn định nề nếp, bố trí dạy và học phù hợp; cần có kế hoạch dạp bù hợp lý, không được dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình.

Sở GD&ĐT Nam Định trong văn bản gửi các đơn vị nhấn mạnh công tác phối hợp, liên lạc để phụ huynh nắm được thông tin nghỉ học kịp thời, tránh tình trạng học sinh đến trường phải quay về.

Với các trường học, đặc biệt các trường vùng nông thôn, các lớp điểm lẻ... cần tập trung rà soát, kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất phòng học, hệ thống cửa, đèn chiếu sáng để tránh gió lùa và đủ sáng cho học sinh học tập.

Tất cả các Sở GD&ĐT đều yêu cầu nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học và thông báo tới gia đình học sinh khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống (với mầm non, tiểu học); từ 7 độ C trở xuống (với THCS).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ