Cho học sinh "nghỉ tại chỗ"
"Nghỉ tại chỗ" là giải pháp nhiều trường học vùng cao thực hiện khi nhiệt độ ngoài giảm sâu đến 2 - 3 độ C.
Chiều nay (25/1), xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên), trời mưa khiến thời tiết càng thêm giá lạnh. Thầy Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải - cho biết: Tại điểm trung tâm, phụ huynh đưa con em đến trường đông đủ từ chiều qua. Tuy nhiên, do thời tiết quá lạnh nên nhà trường cho học sinh nghỉ tại chỗ, tức không lên lớp mà ở lại ôn tập trong phòng bán trú.
Giải thích việc học sinh vẫn đến trường, thầy Khiêm cho hay: Nhà học sinh cách trường rất xa, nếu không đến trường hôm qua cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ nghỉ cả tuần sau đó.
"Trong những ngày giá rét như hôm nay, tại điểm trường chính, giáo viên vẫn đến lớp, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường để bất cứ khi nào thời tiết ấm lên, học sinh, giáo viên sẽ sẵn sàng lên lớp học.
Riêng các điểm lẻ, ngay sau khi có công văn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã thông báo tới tất cả giáo viên. Giáo viên sẽ trực tiếp đến gặp trưởng bản để thông báo học sinh nghỉ học" - thầy Phạm Văn Khiêm cho sẻ.
Được biết, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải có một điểm chính và 11 điểm lẻ; trong đó, số học sinh ở điểm chính khoảng 500 em; tổng học sinh điểm lẻ khoảng 350 em. Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên hiện trường mới chỉ có 21 phòng ở cho học sinh được xây kiên cố; còn lại khoảng trên chục phòng xây bằng cột sắt, thưng tôn. Tuy nhiên, theo khẳng định của thầy Khiêm, các phòng học đảm bảo kín gió và ấm áp.
Lùi thời gian học muộn hơn quy định
Tại Sơn La, nhiệt độ ngoài trời hôm nay cũng chỉ khoảng 5 độ C. Ông Phạm Văn Mộc - Chánh văn phòng GD&ĐT Sơn La - cho biết: Sở GD&ĐT đã giao các phòng GD&ĐT chủ động quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ liên tục trong ngày dưới 10°C; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ liên tục trong ngày dưới 7°C.
Tùy điều kiện thực tế tại các điạ phương và tình hình diễn biến thời tiết từng ngày, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS quyết định điều chỉnh thời gian vào học. Có thể vào học tiết 1 buổi sáng muộn hơn so với quy định khi nhiệt độ đã tăng lên; hoặc học vào buổi chiều khi đã đảm bảo về phòng học.
Từng trường phải rà soát, kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất trường học, đảm bảo tránh gió lùa và đủ ánh sáng trong lớp học; tích cực phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chế độ ăn, uống hợp lý và chỗ nghỉ ấm áp cho học sinh nội trú, bán trú. Nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục nếu không đảm bảo đủ ấm. Đồng thời, hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời và bố trí giờ học môn thể dục hợp lý khi có rét đậm, rét hại.
"Chúng tôi cũng yêu cầu các trường có trách nhiệm thông báo tới cha mẹ học sinh; có thể thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh; hoặc trang thông tin của trường webisite... để phối hợp quản lý học sinh trong thời gian nghỉ và tổ chức, hướng dẫn cho học sinh tự học tại nhà. Sau nghỉ rét, nhà trường bố trí việc dạy và học cho phù hợp; đảm bảo kế hoạch thời gian năm học, không dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình" - ông Phạm Văn Mộc cho biết.
Cũng giống như Sơn La, Sở GD&ĐT Bắn Kạn cũng yêu cầu các trường căn cứ vào tình hình thời tiết thực tế tại địa phương để quyết định điều chỉnh thời gian vào học tiết 1 buổi sáng muộn hơn so với quy định.
Ông Phạm Duy Hưng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, mặc dù theo quy định, học sinh mầm non và tiểu học sẽ nghỉ học khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS nghỉ khi từ 7 độ C trở xuống, nhưng các nhà trường vẫn được yêu cầu bố trí lực lượng trực để quản lý những học ính vẫn đến trường và phải đảm bảo mọi hoạt động của nhà trường diễn ra bình thường.
Trước đó, các nhà trường đã tổ chức rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị để có giải pháp phù hợp bảo vệ môi trường, cây xanh, khuôn viên trường học và đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh; đặc biệt quan tâm đến các trường mẫu giáo khu vực vùng núi cai, khu vực đồng bào gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
"Chúng tôi cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phòng, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở giáo dục đối phó với những diễn biến cực đoan của thời tiết" - ông Phạm Duy Hưng cho hay.