Không đóng dấu “mật” tài liệu về ngân sách nhà nước

Theo ông Phùng Quốc Hiển, việc không đóng dấu “mật” các tài liệu có liên quan đến ngân sách nhà nước (trừ các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia) để bảo đảm công khai, minh bạch.

Không đóng dấu “mật” tài liệu về ngân sách nhà nước
cong trinh thuy loi
Trong 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến sẽ dành 2.000 tỷ cho xây dựng các dự án hồ thủy lợi.

Chiều nay (26/2), phiên họp thứ 35 của Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian vào thảo luận, cho ý kiến về việc phân bổ 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và nội dung dự án luật Ngân sách nhà nước.

Đánh giá chung về phương án phân bổ vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012 – 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng cần ưu tiên vốn để dành cho các công trình cấp bách. Tuy nhiên, một số phương án chưa mang tính thuyết phục cao, còn một số vấn đề chưa được làm rõ.

Thứ nhất, căn cứ pháp lý để phân bổ 7.500 tỷ đồng cho một số dự án, công trình nêu trong Tờ trình của Chính phủ cần được xem xét để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành. Cụ thể, chỉ bố trí vốn cho các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn TPCP đã được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; chỉ bổ sung cho các dự án còn thiếu vốn; bảo đảm tính cụ thể, làm rõ mức độ dở dang, tính chất cấp bách của từng dự án.

Thứ hai, Trong Tờ trình, Chính phủ chưa làm rõ tiến độ hoàn thành, thời gian hoàn thành sau khi được cấp vốn. Như vậy, sẽ thiếu căn cứ để đánh giá hiệu quả và không đủ cơ sở để giám sát việc tổ chức thực hiện sau này.

Theo báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, bổ sung phương án phân bổ vốn TPCP dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 gồm: chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015 là 3.745,3 tỷ đồng; dự án Đường Trường Sơn Đông, dự kiến bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng TPCP giai đoạn 2012 – 2015 để thông tuyến; các dự án thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, dự kiến bổ sung 800 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án hồ chứa nước quan trọng phục vụ tưới tiêu cho các vùng nghèo, khó khăn, vùng dân tộc; dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La dự kiến bổ sung 2.295 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi cho ý kiến về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại nêu quan điểm sẽ dành 2.000 tỷ đồng vốn cho chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015; dự án Đường Trường Sơn Đông, dự kiến bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng TPCP giai đoạn 2012 – 2015 để thông tuyến; các dự án thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, bổ sung 2.000 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án hồ chứa nước quan trọng phục vụ tưới tiêu cho các vùng nghèo, khó khăn, vùng dân tộc; dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La bổ sung thêm 2.295 tỷ đồng; và 500 tỷ đồng sẽ ưu tiên thêm để dành cho làm đường tuần tra biên giới.

Về những nội dung trong dự án luật Ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban đã tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu trong kỳ họp Quốc hội khóa VIII và đã bổ sung nhiều nội dung, đáng chú ý nhất là việc không đóng dấu “mật” các tài liệu có liên quan đến ngân sách nhà nước, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia để bảo đảm công khai, minh bạch, giúp quản lý hiệu quả hơn ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trước hết phải hoàn thành dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó cũng phải quy định rõ việc thu chi và phân chia ngân sách nhà nước như thế nào.

Theo baogiaothong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ