Không để người lao động trong khu cách ly, phong tỏa Covid-19 bị thiếu đói

GD&TĐ - Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW và tương đương, công đoàn tổng công ty... không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói.

Hỗ trợ công nhân khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly phòng dịch Covid-19.
Hỗ trợ công nhân khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly phòng dịch Covid-19.

Sáng 21/5, trao đổi với báo GD&TĐ ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, công đoàn đang tổ chức hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn do phong toả, cách ly.

Cụ thể, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát các nhà trọ, lập danh sách gửi lên Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh để phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các nhu yếu phẩm, như gạo, mì tôm, cá khô, lạc…

"Hôm nay, Công đoàn sẽ trao 10 tấn gạo cùng 300 thùng mỹ tôm cho công nhân, đoàn viên các xã Quang Châu và Vân Trung. Qua đó, hỗ trợ đảm bảo đời sống cho đoàn viên, công nhân khu vực cách ly, phong tỏa vì dịch Covid-19...", ông Thắng thông tin.

Ông Thắng cho biết, chiều 20/5, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã xuống thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (huyện Việt Yên) để trao 1.555 kg gạo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tới người lao động đang thuê trọ tại thôn.

Toàn bộ số gạo này sẽ được trao qua các chủ nhà trọ để phát tới công nhân lao động, do công nhân lao động phải tự cách ly...

Theo ông Ngô Đức Thắng, cho đến thời điểm này, Công đoàn các Khu công nghiệp bước đầu tổng hợp được có 15.000 công nhân lao động thuê trọ tại xã Vân Trung, xã Quang Châu, thị Trấn Nếnh (huyện Việt Yên). Và trong những ngày tới đây, Công đoàn sẽ tiếp tục đến hỗ trợ người lao động...

Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang đang rà soát để hỗ trợ mỗi người 5 kg gạo, dự kiến khoảng gần 50.000 người lao động đang bị cách ly tại khu nhà trọ (có cả những người không bị F gì cả nhưng không được về).

Trước khó khăn của công nhân khu công nghiệp ảnh hưởng Covid-19, tối 20/5, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp về việc phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, nhấn mạnh việc hỗ trợ người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, khó chữa trị, đã trực tiếp tấn công vào công nhân lao động, nhất là một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân. 

Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, từ 27/4 đến nay, đã có hơn 600 ca trên tổng số 1.678 ca dương tính với Sars-CoV-2 trong cộng đồng là đoàn viên, người lao động.

Cùng với đó là hàng vạn F1, hàng chục vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động; một bộ phận công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhất là nguyên tắc 5K. 

Các cấp công đoàn cần cảnh giác cao độ, sẵn sàng “trực chiến” vì dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều ca ở trong cộng đồng; khi phát hiện ca mắc cần tập trung phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể. 

Bên cạnh đó, vận động, kêu gọi đoàn viên, người lao động tham gia, hợp tác, ủng hộ và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ, chi viện cho công nhân lao động và các địa phương đang có dịch. 

Chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo chế độ, tiền lương cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Đặc biệt, là các ca F0, F1, F2 và công nhân lao động đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan nhà nước.

Riêng đối với các tỉnh, thành phố đang có dịch, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã có nhiều công nhân lao động trong doanh nghiệp và trong khu công nghiệp dương tính với Sars-CoV-2, các cấp công đoàn chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo, thông tin kịp thời tình hình, diễn biến dịch với công đoàn cấp trên và cơ quan chức năng.

Phân công cán bộ “trực chiến” phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động xử lý các tình huống phát sinh kịp thời, hiệu quả, nhất là khi có ca mắc mới, ổ dịch mới cần khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp công nhân lao động là F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm tạm thời.

"Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động đang ở khu vực bị phong tỏa, khi các điều kiện an toàn sớm đưa cán bộ công đoàn, các tình nguyện viên vào trao quà, nhu yếu phẩm cho công nhân lao động; không để đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu đói...", Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ