Không chủ quan với bệnh viêm gan siêu vi

Không chủ quan với bệnh viêm gan siêu vi

Trong đó, các bệnh viêm gan A, B và C là thường gặp nhất. bệnh thường tiến triển âm thầm, đến khi phát hiện ra thì đã muộn…

Tác nhân gây bệnh

Người ta ví gan như một nhà máy hóa chất thu nhỏ trong cơ thể con người. Thông thường, các bộ phận trong cơ thể đều có hệ thống thần kinh cảm giác, nhưng riêng gan thì không. Đó là lý do giải thích tại sao khi mắc bệnh ở gan, cảm giác ban đầu thường mơ hồ và lạc hướng…

Gan có thể bị viêm bởi nhiều tác nhân khác nhau, như virus, vi khuẩn, rượu, thuốc men chữa bệnh, hóa chất, viêm gan tự miễn hoặc viêm gan do u hạt. Trong các loại bệnh về gan thì viêm gan siêu vi (viral hepatitis) là loại thường gặp nhất và trong một số trường hợp, bệnh để lại hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tên bệnh gọi là viêm gan siêu vi đã nêu đích danh tác nhân gây bệnh là… siêu vi (virus). Tùy đặc điểm, tính chất của chủng virus gây bệnh mà các nhà chuyên môn chia ra 5 loại viêm gan siêu vi: A, B, C, D và E.

Đường lây, biểu hiện và phòng ngừa

Viêm gan siêu vi là loại bệnh truyền nhiễm, vì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao. Đường lây truyền tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của chủng virus gây bệnh viêm gan siêu vi loại nào. Các trường hợp viêm gan siêu vi đều được chẩn đoán xác định nhờ xét nghiệm máu.

Viêm gan A: Lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, vì mầm bệnh virus xuất hiện trong nước bọt, nước tiểu, mồ hôi và nhất là trong phân người bệnh.

Không chủ quan với bệnh viêm gan siêu vi ảnh 1
Vi rus viêm gan B.

Tuy dễ lây, nhưng điều may mắn, viêm gan A là loại viêm gan "hiền lành", vì thường không gây ra biểu hiện nào, hoặc chỉ đau mơ hồ vùng sườn bên phải, khu vực tương ứng với vị trí của gan trong giai đoạn gan bị "sưng" do viêm cấp tính. Không có điều trị gì bệnh cũng tự nhiên biến mất và cũng không để lại các biến chứng lâu dài. 

Đa số trường hợp, bệnh được phát hiện "tình cờ" nhờ xét nghiệm máu.

Phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc xin. Ăn uống hợp vệ sinh, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rữa tay bằng xà phòng và tránh tiếp xúc quá gần giũ với người bệnh viêm gan siêu vi đang siều trị.

Viêm gan B: Đây là loại viêm gan siêu vi thường gặp nhất và cũng để lại hậu quả nặng nề nhất. Bệnh lây chủ yếu qua đường máu, tiêm truyền không an toàn, các vết trầy xước quan hệ tính dục hoặc lây qua đường từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và sinh nở. 

Bệnh không lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung với người bệnh. Thời gian ủ bệnh thay đổi từ 30 - 180 ngày.

Đa số người bị nhiễm virus viêm gan B không thấy có biểu hiện gì. Nhờ tính miễn dịch của cơ thể mà có đến 90% người khoẻ mạnh loại trừ hẳn virus viêm gan B ra khỏi cơ thể. 

Số còn lại không có khả năng tạo kháng thể chống lại virus viêm gan B nên bị nhiễm kinh niên (gọi là viêm gan mạn tính - xét nghiệm máu thấy virus tồn tại lâu hơn 6 tháng). Ở những người này, virus có thể tồn tại trong máu và trong gan họ suốt đời. Đây chính là nguồn lây lan trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn sống vui, sống khoẻ như những người bình thường khác. Những người này cần được thăm khám chuyên khoa và xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần để giảm thiểu nguy cơ xơ gan hoặc ung thư gan.

Diễn biến của bệnh viêm gan siêu vi B rất đa dạng. Từ các triệu chứng chung chung, mơ hồ, nhiều khi giống một trường hợp mắc bệnh cảm cúm thông thường đến các trường hợp viêm gan cấp tính vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng đậm phải nhập viện khám và điều trị. 

Bệnh để lại các hậu quả nặng nề như chuyển thành viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan. Bệnh viêm gan B là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan ở người châu Á.

Có nhiều loại thuốc để điều trị viêm gan siêu vi B, như Lamivudine, Adefovir, Interferon… Tuy nhiên, thuốc dùng chỉ có khả năng hạn chế sự tàn phá của virus mà không có khả năng loại bỏ chúng hoàn toàn. Người bệnh cũng phải dũng cảm nói lời chia tay với bia rượu. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ số tế bào gan còn lại làm việc cho đến cuối đời.

Phòng bệnh bằng cách tiêm vắcxin đủ liều 3 mũi. Thực hiện an toàn trong tiêm truyền. Hiện rất nhiều người ý thức đến việc tiêm phòng vắcxin phòng bệnh viêm gan siêu vi B.

Viêm gan C: Đường lây truyền và biểu hiện cũng giống như bệnh viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh viêm gan siêu vi C thường không nặng nề như viêm gan siêu vi B, mặc dù viêm gan siêu vi C cũng có thể gây ra viêm gan mạn tính và dẫn đến xơ gan.

Bệnh được xác định bằng xét nghiệm máu. Các loại thuốc điều trị viêm gan C như Ribavarin, Zadaxin, Interferon… Thực hiện phòng bệnh như viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, chưa có vaccine đặc hiệu để chủng ngừa cho bệnh viêm gan này.

Nguyên tắc ăn uống

Để có một lá gan khỏe mạnh, nhất là ở những người từng có bệnh lý ở gan, tốt nhất không nên sử dụng những thức uống có cồn dưới mọi hình thức. Nên uống nhiều nước trái cây nhất là cam, chanh… 

Ăn nhiều rau quả để cung cấp đủ các vitamine và các chất khoáng cho cơ thể. Thịt, cá, trứng, sữa là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để phục hồi sức khỏe và tái tạo tế bào gạn bị tổn thương.

Thuốc dùng cho người bị viêm gan cần theo sự chỉ định của bác sĩ, vì đó là hóa chất có khả năng gây hại thêm cho các tế bào gan đang bị tổn thương. Định kỳ 3 hoặc 6 tháng người bệnh nên xét nghiệm kiểm tra chức năng gan và siêu âm phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ