Nguyệt nhẹ nhàng vén tóc ra phía sau tai, cất giọng càu nhàu: “Các bà làm gì mà như cháy nhà thế? Để tôi ngồi xuống ghế rồi hẵng nói chứ”.
Trong khi Lan ngó nghiêng phòng làm việc bên cạnh xem có “gián điệp” không thì Yến cẩn thận kéo ghế cho Nguyệt ngồi rồi mới yên tâm thì thào: “Tôi bảo này, tí nữa sếp sẽ sang đây họp riêng với phòng mình đấy, nghe đồn bà sắp bị… đuổi việc rồi”.
Nguyệt đứng phắt dậy, 2 tay chống hông, biểu cảm nóng nảy: “Đùa nhau à, tôi đã làm gì sai mà đuổi việc tôi?”.
Yến và Lan chưa kịp bịt miệng Nguyệt thì sếp hùng hồn đẩy cửa bước vào, đứng trước mặt Nguyệt, sếp dõng dạc tuyên bố: “Nhân tiện cô Nguyệt đã biết thông tin này, tôi thông báo luôn, quyết định cho thôi việc của cô đang nằm trong tay tôi, lát tôi trình sếp tổng, sếp chỉ cần ký vào là xong, từ mai cô Nguyệt không cần đến cơ quan nữa”.
Chẳng còn gì để mất, Nguyệt không hề nao núng, cô mạnh mẽ đáp trả: “Thưa sếp, tôi chưa từng thấy cơ quan nào đuổi việc nhân viên mà không nêu rõ lý do, chưa kể tôi còn là một nhân viên vô cùng xuất sắc”. Sếp quả quyết: “Cô này hay nhỉ, có cần tôi kể tội của cô ra đây không khi mà công ty có bao nhiêu quy tắc thì cô phá vỡ bấy nhiêu, thử hỏi cơ quan này có ai đã hay đi sớm về muộn, đùn đẩy việc của mình cho người khác,… lại còn buôn chuyện trong giờ làm việc như cô không?”.
Nghe sếp nói, Lan và Yến cúi gằm mặt, không dám bênh Nguyệt câu nào. Không chấp nhận được vụ việc “bất công” này, Nguyệt vùng lên đòi lại “công bằng”: “Sếp chỉ giỏi nghĩ ra những nguyên tắc cứng nhắc và nhàm chán, trong khi chẳng hiểu biết gì về cái gọi là ĐẶC QUYỀN CỦA PHỤ NỮ. Tôi nói cho sếp nghe nhé, tôi chẳng vi phạm nguyên tắc gì cả, tôi chỉ đang thực hiện đặc quyền của mình mà thôi.
Thứ nhất, tôi là phụ nữ chân yếu tay mềm, bởi vậy những công việc động đến tay chân thường gây khó khăn cho tôi. Những lúc như thế, một đặc quyền của phụ nữ được phát huy, đó chính là “quyền trợ giúp”. “Trợ giúp” ở đây chính là những công việc nặng nhọc, động tay chân theo góc nhìn riêng của chị em. Và đối tượng nhờ vả không ai khác chính là những nam nhân trong văn phòng.
Thứ hai, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nước ngoài, phụ nữ nói trung bình 20.000 từ một ngày, trong khi đàn ông chỉ nói 7.000 từ mỗi ngày. Dù kết quả này cần phải được kiểm chứng nhiều, tuy nhiên không thể phủ nhận phụ nữ có xu hướng nói nhiều hơn nam giới.
Nhu cầu nói cực cao khiến chúng tôi dễ tám chuyện với nhau mọi lúc mọi nơi, trong phòng vệ sinh, trên bàn ăn, ngoài hành lang, kể cả trong phòng làm việc… với mọi chủ đề từ tình yêu, gia đình bạn bè, đến thẩm mỹ thời trang… Và nghiễm nhiên, đây trở thành một đặc quyền phụ nữ công sở chúng tôi, mà các sếp là nam giới dù muốn cũng không thể nào tước bỏ nó đi được…”.
Nói đến đây, bỗng dưng Nguyệt bật khóc, cô nấc lên: “Hức hức… Tôi nói cho sếp biết nhé, sáng nắng, chiều mưa, trưa gió mùa... Chỉ có phái đẹp mới có biểu đồ cảm xúc thay đổi nhiều và nhanh như thời tiết mà thôi. Chỉ có phái đẹp mới được đặc cách vui buồn bất chợt mà vẫn khiến cánh mày rầu cuống cuồng... che gió tứ bề không một chút nề hà…
Phụ nữ chúng tôi rất đặc biệt và luôn có những đặc quyền của riêng mình trong xã hội. Những đặc quyền ấy có xấu có tốt, nhưng chúng góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho phụ nữ. Khóc cũng là một trong những đặc quyền chỉ có ở riêng phụ nữ. Hức! Tôi trải lòng xong rồi đấy, nếu sếp thích thì cứ đuổi việc tôi đi”
Rất nhanh chóng, sếp vò nát tờ giấy đang cầm trên tay, quyết định: “Thay vì cho cô Nguyệt nghỉ việc, tôi đề nghị cô sang phòng Văn hóa - Văn nghệ của cơ quan thay vì làm kế toán như hiện nay. Cơ quan không thể phí hoài một tài năng như cô”.