Không bài tập Tết - Học sinh có kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình

GD&TĐ - Hiện đã có 5 tỉnh yêu cầu giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Thông tin này nhận được ủng hộ của nhiều phụ huynh và dư luận xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không giao bài tập Tết cho học sinh

Ngày 2/2, Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản số 226/SGDĐT-GDMNTH gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh khi nghỉ Tết.

Văn bản cũng nêu rõ, giáo viên chỉ cần phối hợp với phụ huynh ôn lại công thức, quy tắc trong sách cho học sinh 1-2 ngày trước khi đi học trở lại. Kỳ nghỉ Tết là dịp để học sinh được trải nghiệm, tìm hiểu phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng như cần được sum họp, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái cùng gia đình. Đồng thời, học sinh có nhiều thời gian, cơ hội được trải nghiệm Tết cổ truyền bên gia đình.

Như vậy, Sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu là địa phương đầu tiên thực hiện việc không giao bài tập tết cho học sinh. Đến nay, thông điệp “Nghỉ tết không áp lực bài tập” được nhiều người ủng hộ và lan tỏa ra các địa phương khác. Đặc biệt, nội dung này nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, dư luận xã hội. 

Ngay sau đó, ngày 3/2, UBND Quảng Bình cũng đã có công văn hỏa tốc số 184/UBND-KGVX cho học sinh toàn tỉnh nghỉ Tết sớm từ ngày 4/2 để phòng chống dịch Covid-19. Công văn cho phép tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 4/2 đến hết ngày 21/2. Đồng thời, yêu cầu giáo viên các trường học không giao bài tập về nhà để học sinh được đón Tết đầm ấm, vui tươi và nghỉ ngơi cùng gia đình.

Tránh trường hợp gây áp lực học tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mới đây, Sở GD&ĐT Quảng Ninh chính thức có văn bản số 314/SGDĐT-GDTH chỉ đạo. Cụ thể, Sở quán triệt đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh tuyệt đối không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết.

Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cũng có công văn về việc không giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Đặc biệt, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đề nghị Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết.

Ngày 6/2, Sở GD&ĐT Bình Phước đã có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học, THCS, các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ Tết, Sở yêu cầu các đơn vị thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế".

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ.  Nguồn: Internet

Các văn bản trên nhận được sự ủng hộ của nhiều bậc phụ huynh và được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Được biết từ nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có yêu cầu như trên nhưng chưa bằng văn bản chính thức và vẫn nhận được phản ánh tích cực của phụ huynh về việc không giao bài tập về nhà trong dịp Tết.

Để học sinh có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn

Nhiều trường học trên cả nước đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sớm 2021. Với tâm lý kỳ nghỉ Tết dài, sợ học sinh quên kiến thức nên giáo viên thường giao học sinh một lượng bài tập về nhà nhất định. Với mong muốn mỗi ngày học sinh dành một khoảng thời gian nhất định làm bài tập sẽ giúp các em duy trì nếp học tập, không bị mắc bệnh ngại học sau nghỉ Tết.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu phong tục truyền thống và sum họp bên gia đình. Việc không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết được nhiều phụ huynh và giáo viên tán thành.

Chị Nguyễn Thanh Thuỷ (Long Biên) nhớ lại, từ hồi còn đi học, việc giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết là việc rất hiển nhiên. Bởi vậy, những ngày Tết dù rất háo hức nhưng cứ nghĩ tới khối lượng bài tập thầy cô giao trước Tết mà lo, khiến áp lực kinh khủng. Giờ là một phụ huynh, khi con có bài tập Tết, chị vẫn thường có tâm lý nhắc con hoặc ép con trước Tết phải làm cho hết bài tập.

Chị Thuỷ tâm sự: “Nếu áp dụng theo cách này thì con không được tham gia các hoạt động chuẩn bị Tết cùng cha mẹ, về quê thăm ông bà cũng không thoải mái, con học cũng không tập trung. Nhưng nghỉ Tết mà ngày nào cũng bắt con làm bài thì con không thoải mái mà bố mẹ cũng không được nghỉ ngơi”. Bởi vậy, chị Thuỷ rất hoan nghênh những văn bản nhân văn, quán triệt trong toàn ngành giáo dục để học sinh có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũng với tư cách vừa là phụ huynh vừa là giáo viên, cô Hán Thu Huyền, giáo viên dạy Văn - Trường THCS Ngọc Lâm (Hà Nội) đồng tình với quan điểm không giao bài tập về nhà cho học sinh dịp Tết.

Cô Huyền cho rằng, giao nhiều bài tập cũng không giúp học sinh giỏi lên được, học sinh có trải nghiệm, tìm hiểu phong tục những ngày Tết sẽ giúp viết văn phong phú hơn. Còn 1-2 ngày chuẩn bị hết kỳ nghỉ Tết, thông qua nhóm zalo của phụ huynh, cô sẽ gửi nội dung ôn tập để phụ huynh cùng con ôn lại để đỡ quên kiến thức. Áp dụng theo cách này, cô Huyền nhận được phản hồi tốt, phụ huynh không hề áp lực mà học sinh vẫn được vui Tết.

Cô Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương, giáo viên tiếng Anh - Trường THCS Khương Đình (Hà Nội) cho hay, cô không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết. Thay vào đó, cô thường ra những bài tập như dọn dẹp nhà cửa, giúp mẹ nấu mâm cơm Tết hay đọc một cuốn sách sau đó chụp lại ảnh, quay video hay viết một bài cảm nghĩ bằng tiếng Anh rồi gửi cô.

Cô Dương cho rằng, việc giao bài tập về nhà trong dịp Tết là quan điểm của mỗi giáo viên hoặc chủ trương của mỗi trường. Nên nhiều năm nay, cô Dương thường xin ý kiến phụ huynh về việc không giao bài tập về nhà cho học sinh và nhận được sự đồng tình của phụ huynh.

Với học sinh, Tết là kỳ nghỉ dài thứ hai sau kỳ nghỉ Hè. Đặc biệt, đây là những ngày các em được nghỉ cùng với tất cả thành viên trong gia đình. Bởi vậy, hạn chế giao bài tập hoặc giao bài tập theo hướng “mở” sẽ tạo điều kiện để học sinh được thoải mái tham gia các hoạt động chung là điều nên làm và nhận được ủng hộ của nhiều phụ huynh. Tết cổ truyền Việt Nam với nhiều phong tục, tập quán ý nghĩa sẽ là cơ hội tuyệt vời cho trẻ tìm hiểu văn hoá, học hỏi kỹ năng và thêm yêu truyền thống của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ