Khốn quẫn trong vùng tái định cư

Khốn quẫn trong vùng tái định cư

Nỗi khốn khổ nơi vùng đất mới

Khi Dự án hồ Tả Trạch triển khai, hàng trăm hộ dân ở xã Dương Hoà, Thị xã Hương Thuỷ được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bố trí qua định cư ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà. Số hộ dân bị di dời được bố trí thành 3 KĐC gồm: Hoà Thành, Hoà Bình và Bình Dương. Trung bình, mỗi KĐC từ 50 - 80 hộ. Trong đó, KĐC Hoà Bình có số dân đông nhất với 84 hộ trên 400 nhân khẩu. Đây cũng được xem là một trong các KĐC sầm uất, phát triển so với các KĐC của xã Bình Thành.

Nhìn tổng thể quy hoạch tại các KĐC Bình Thành mọi người đều thấy vẻ bề ngoài với những căn nhà khang trang, mọc san sát bên nhau không khác mấy so với những khu nhà ngoại ô Huế. Duy chỉ phong tục tập quán canh tác ở vùng đất mới không còn phù hợp  lối sống của bà con. Trong đó nổi bật là đất để sản xuất đang thiếu trầm trọng.

Trước đây khi chưa TĐC nhà nào ít nhất cũng có 1 - 2 hec ta đất để trồng trọt, chăn nuôi, bây giờ khi đến nơi ở mới do đất rừng tại xã Bình Thành đã được giao cho các lâm trường quản lý nên số đất còn lại để bố trí cho bà con sản xuất là rất thấp mỗi hộ chỉ được nhà nước cấp từ 2 - 3 sào. Bà Hoàng Thị Tư  bức xúc kể: “Qua TĐC được cái nhà cửa khang trang hơn, khổ nỗi cả nhà 12 miệng ăn chỉ trông chờ vào 3 sào đất vườn, khổ cái là đất ở đây không trồng cây chi lên nổi đặc biệt là cây thanh trà, trồng gần 5 năm mà thân cây nhỏ như cây sắn vậy”.

Theo thống kê của xã, tổng số 84 hộ ở thôn Hòa Bình thì có 16 hộ là hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Cùng với KĐC Hoà Bình, số hộ nghèo ở Hoà Thành và Bình Dương cũng chiếm tỷ lệ từ 30 - 40%. Có mặt ở KĐC này, chúng tôi rất bất ngờ khi hàng chục ngôi nhà tình thương san sát nhau đều vắng chủ. Hỏi ra mới biết, hầu hết người dân ở đây vào rừng mót củi kiếm cơm qua ngày. Từ khi chuyển ra khu tái định cư này, do thiếu đất canh tác nên hầu hết bà con ở đây đi làm thuê cuốc mướn để lo đời sống hằng ngày.

Khu vườn bà Hoàng Thị Tư tại khu định cư Bồ Hòn 6 năm cây ăn quả không lên nổi
Khu vườn bà Hoàng Thị Tư  tại khu định cư Bồ Hòn 6 năm cây ăn quả không lên nổi

“Khát” đất sản xuất

Cũng như 3 KĐC bị di dời do Dự án hồ Tả Trạch thì KĐC Bồ Hòn với 54 hộ cũng được khai sinh năm 2005 khi dự án thủy điện Bình Điền triển khai. Người dân ở đây trước định cư ở xã Hương Nguyên (Huyện A Lưới), hầu hết là bà con dân tộc Cơ Tu. Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng ban công tác mặt trận Tổ quốc khu tái định cư Bồ Hòn, cho biết: “Ở đây làm ăn khó khăn lắm, đất vườn bạc màu trồng cây không lên, các mặt hàng nông sản cũng phải mua, trong khi ở chỗ cũ, người dân có thể tự làm ra và phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Từ khi mà về đây, nói chung điện, đường, trường, trạm thuận lợi cho con em đi học. Nhưng về mặt kinh tế giảm sút rất nhiều vì lý do thiếu đất sản xuất. Dân tôi là người dân lao động, dân lao động mà không có đất thì không có gì để mà ăn”.

Ông Văn Hữu Khanh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hộ nghèo các khu tái định cư cao là  do người dân thiếu đất sản xuất. Bình Thành là xã vùng gò đồi, người dân chủ yếu trồng rừng và sản xuất chăn nuôi. Tổng số diện tích đất trồng rừng khoảng 4.000 ha thì các đơn vị khác đã sử dụng hơn một nửa.

Vì vậy, chính quyền địa phương thiếu đất phân bổ cho người dân canh tác. Hầu hết các hộ khi về tái định cư trên địa bàn chỉ được cấp từ 0,6-0,7 ha cả đất ở và đất sản xuất. Hơn nữa, việc bố trí dân tái định cư ở san sát nhau là không phù hợp, người dân không có điều kiện chăn nuôi và trồng trọt phát triển kinh tế. Muốn để dân tái định cư sống bền vững thì cần đến đất sản xuất. ..

Thiếu đất sản xuất đang trở thành gánh nặng cho Bình Thành. Mặc dù, xã chú trọng nhiều đến công tác đào tạo việc làm như phối hợp với các trung tâm dạy nghề đào tạo ngắn hạn cho các lao động trong xã nhưng không mấy hiệu quả. Tuy nhiên điều mà cả người dân và chính quyền xã Bình Thành mong ngóng là tỉnh cần có chủ trương giao đất, giao rừng đến tay người dân để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...