Khởi nghiệp từ cây tre 'miền Trà Lân'

GD&TĐ - Khởi nghiệp từ cây tre “miền Trà Lân”, Thái Đăng Tiến (huyện Con Cuông, Nghệ An) đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều bà con địa phương.

Thái Đăng Tiến - Giám đốc công ty Trà Lân BAMBOO (huyện Con Cuông, Nghệ An) giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ làm từ tre cho du khách.
Thái Đăng Tiến - Giám đốc công ty Trà Lân BAMBOO (huyện Con Cuông, Nghệ An) giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ làm từ tre cho du khách.

Khởi nghiệp từ “đặc sản” miền Trà Lân

Cái tên Thái Đăng Tiến (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) đến nay đã gắn liền với thương hiệu Trà Lân BAMBOO – công ty chuyên sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre. Tiến vốn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Trước khi lập công ty, anh cũng có con đường giống nhiều thanh niên trẻ khác ở huyện miền núi này, đó là xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Trong 2 năm làm việc tại xứ người, Tiến nhận thấy đây không phải là con đường lâu dài, vì chỉ mưu sinh, bán sức lao động kiếm tiền chứ không thể phát triển sự nghiệp. Vậy là Thái Đăng Tiến quyết định quay trở về quê hương nghĩ cách làm kinh tế.

Sản phẩm mỹ nghệ từ tre qua khâu xử lý nguyên liệu rất kỹ càng để chống mối mọt, làm sạch, đảm bảo độ bền.

Sản phẩm mỹ nghệ từ tre qua khâu xử lý nguyên liệu rất kỹ càng để chống mối mọt, làm sạch, đảm bảo độ bền.

Con Cuông là một trong những huyện nằm trong miền Trà Lân xưa. Đặc sản của nơi đây là bạt ngàn tre. “Tôi lớn lên cũng từ cây tre. Nhưng người dân chủ yếu khai thác măng, hoặc bán cây tre, mét già làm cột dựng nhà… Vì thế, công sức bỏ ra vất vả mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Trong khi đây là loại nguyên liệu rất dồi dào ở vùng rừng núi này. Vậy là tôi tự hỏi tại sao không chế tác các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ tre để nâng cao giá trị hàng hóa, tạo thu nhập thường xuyên, ổn định hơn”, Thái Đăng Tiến kể.

Tiến vay mượn thêm vốn, mở xưởng sản xuất ngay trên đất của gia đình, đầu tư máy luộc, máy sấy lạnh, một số máy cầm tay khác… và thuê nhân công làm việc. “Khâu lựa chọn, xử lý nguyên liệu rất kỳ công, vì các sản phẩm từ tre nứa rất dễ mối mọt, cong vênh, nứt qua thời gian. Tre được sử dụng phải có độ già nhất định. Sau khi bào nhẵn bề mặt thô còn phải giải quyết vấn đề bụi bám. Tôi đã tốn rất nhiều thời gian, kinh phí và cuối cùng tìm ra kỹ thuật sử dụng áp lực hơi để phun cát làm sạch sản phẩm”, Thái Đăng Tiến cho hay.

Xưởng tre của Thái Đăng Tiến đã tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Xưởng tre của Thái Đăng Tiến đã tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Các sản phẩm từ tre như bình trà, cốc chén, hộp bút, khay nước, hộp tăm… lần lượt ra đời và đưa ra thị trường. Tiến còn thuê máy đào rễ tre để tận dụng nguồn nguyên liệu vì nếu chỉ lấy phần thân mà bỏ gốc thì lãng phí. Gốc tre sau khi rửa sạch, phơi khô, xử lý để chống mối mọt được công nhân chế tác thành sản phẩm tinh xảo, độc đáo thu hút người mua. Giá thành của các sản phẩm từ gốc tre dao động từ 500 nghìn - 1,5 triệu đồng, tùy vào hình thể, độ tinh xảo, công sức chế tác của thợ.

Theo giám đốc Trà Lân BAMBOO, ưu điểm của sản phẩm từ tre là thân thiện với môi trường, có giá trị sử dụng cao, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, giá rẻ trên địa bàn. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn mọi người biết đến cây tre của “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi nay đã thành sản phẩm mỹ nghệ. Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, lịch sử quê hương Con Cuông

Tạo việc làm cho người dân địa bàn

Hiện xưởng tre của Tiến tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 7 lao động, và mùa cao điểm có tới 15 lao động ở địa phương. Anh cũng đặc biệt tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật… làm việc lâu dài, có lương ổn định.

Đồng thời, Thái Minh Tiến đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) tre với hơn 10 thành viên đăng ký tham gia. “Một trong những lý do tôi chọn cây tre để khởi nghiệp bởi đây là loại nguyên liệu có thể tái sinh nhanh, không bị cạn kiệt khi khai thác. Tôi cũng mong muốn khi tham gia HTX, bà con mới có kỹ thuật trồng và thu hoạch tre đúng cách, bảo vệ tốt môi trường. Năng suất sản xuất từ đó tăng lên để ổn định nguồn cung ra thị trường, tăng thu nhập cho người dân”, Thái Đăng Tiến nói.

Thân cây trúc, tre sặt đủ độ già sẽ được thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu ra nước ngoài để làm giàn leo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thân cây trúc, tre sặt đủ độ già sẽ được thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu ra nước ngoài để làm giàn leo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm của hợp tác xã hiện có mặt tại nhiều homestay ở một số tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời nhận sản xuất theo đặt hàng mẫu mã, số lượng của doanh nghiệp. Ngoài sản phẩm mỹ nghệ, Tiến cũng đang đưa ra hướng đi mới cho cây tre miền Trà Lân, đó là xuất khẩu loại tre sặt, trúc để làm giàn leo sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

"Các nước châu Âu, những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao họ rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Họ ưa chuộng loại tre sặt, trúc để làm giàn cho các loại cây leo cho củ quả… Đây là hướng đi tôi đang muốn mở rộng trong tương lai bởi nhu cầu lớn, đầu ra đảm bảo, quá trình sơ chế không phức tạp. Hiện hợp tác xã đã đưa giống cây này về trồng tại xã Châu Khê với diện tích 4ha để thu sản phẩm sẽ xuất sang các nước châu Âu, Israel", Thái Đăng Tiến nói.

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: Địa phương có lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển các nghề sản xuất từ cây tre. Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho hợp tác xã tre và Trà Lân BAMBOO để đồng hành với doanh nghiệp, người dân trong phát triển kinh tế bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ