(GD&TĐ) - Khi được hỏi về Tuần làm đầu năm học mới đối với lớp 1, hiệu trưởng các trường tiểu học đều cho rằng đây là hoạt động vô cùng cần thiết và không thể thiếu nhằm giúp học sinh thích nghi với môi trường học tập mới và cảm thấy vui thích khi được đi học.
Bỡ ngỡ học sinh lớp 1. Ảnh: gdtd.vn |
Ý kiến từ các nhà quản lý: Có thể dành 1 tháng!
Chị Dương Thu Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội) - cho biết: Nhiều năm, nhà trường vẫn tổ chức rất chu đáo hoạt động này. Đó là thời gian để các bé được học nội quy, học việc tự chuẩn bị đồng phục, vệ sinh cá nhân. Bên cạnh làm quen với cô giáo, trẻ mới vào lớp một trong thời gian này cũng sẽ được cùng cô thống nhất một số quy định trong lớp học, cách xếp hàng ra vào lớp, quan hệ với bạn bè, thậm chí cả một số kiến thức về kỹ năng sống. Tuy nhiên, để làm tốt hoạt động này, nhà trường nên có sự phối hợp nhuần nhuyễn với cha mẹ học sinh.
Cũng khẳng định không thể không có tuần đầu làm quen cho trẻ mới vào lớp 1 - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long Kidsmard (Hà Nội) - ông Nguyễn Trần Vỵ cho rằng, sẽ có rất nhiều điều cần truyền đạt cho học sinh trong thời gian này, từ cách cầm bút, tư thế ngồi, cách sắp xếp sách vở, cho học sinh làm quen với thời gian tiết học...
Những điều này, nếu không làm, khi học sinh chính thức bước vào năm học, giờ nào vào việc ấy, giáo viên sẽ dạy kiến thức, không thể có thời gian hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng trên. Các trường chỉ cần được định hướng nên tổ chức hoạt động này trong 1 - 2 tuần hay một tháng, từ đó hiệu trưởng sẽ tự có định hướng, cách làm để phù hợp với thực tế trường mình cũng như có lợi nhất cho học trò.
Tuy nhiên, với các trường, thực hiện hoạt động này không hẳn không có những băn khoăn. Theo Hiệu trưởng Dương Thu Hà, các cô giáo trong thời gian này cũng rất vất vả nhưng không có kinh phí hỗ trợ. “Mọi năm, có sinh hoạt ôn tập văn hóa trong hè của các lớp trên, lớp dưới thì tổ chức hoạt động này, các cô giáo cũng có thêm thu nhập cải thiện đời sống, nhưng giờ không còn điều đó các cô cũng có chút thiệt thòi. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà giáo viên bớt nhiệt tình, các cô vẫn làm việc rất tâm huyết, rất hiệu quả.” - cô Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Trần Vỵ đề xuất nên dành thời gian một tháng cho hoạt động này. “Nói một tháng nhưng thực chất học sinh chỉ học 20 buổi. 20 buổi để giải quyết một loạt các nề nếp cũng rất vất vả. Trong khi đó, Sở GD&ĐT lại không cho tập trung sớm” – ông Vỵ cho hay.
Dành ít nhất 1 tuần để học sinh làm quen
Đó là quy định của Sở GD&ĐT TP HCM. Năm học mới 2013 - 2014, Sở này yêu cầu nhà trường dành ít nhất một tuần đầu năm học để hướng dẫn học sinh làm quen với lớp (trước khi vào chương trình) như chuẩn bị cặp, sách vở, đồ dùng học tập, chỗ ngồi…. Từ đó, dần dần giúp trẻ làm quen với không gian, nề nếp học tập ở lớp 1.
Sở yêu cầu, giáo viên chủ nhiệm tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm học sinh sợ hãi. Đồng thời, cần thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp trẻ có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè,…giúp học sinh tự tin và thích đi học.
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần hướng dẫn học sinh ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt bút và đặt quyển vở, cách mở trang sách giáo khoa. Đặc biệt dạy học sinh về lời nói, cách xưng hô để trình bày một việc gì đó với thầy cô , trao đổi với bạn bè, …
Khi vào chương trình, dạy những bài học đầu tiên, giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết đọc, viết; không bỏ qua bài học; cần hướng dẫn cách đọc, cách viết một cách tận tình và chu đáo cho học sinh.
Bên cạnh đó, Sở cũng lưu ý, với cha mẹ trẻ có con lần đầu đi học, giáo viên cần dành thời gian hướng dẫn tỉ mỉ, nhẹ nhàng để gia đình yên tâm đưa con đến trường.
Hiếu Nguyễn