Khởi đầu vững chắc trên con đường đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD

Khởi đầu vững chắc trên con đường đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GD

(GD&TĐ)-Hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 khối giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX và giáo dục chuyên nghiệp, một trong những sự kiện quan trọng của ngành giáo dục sẽ diễn ra vào ngay mai (29/7). Toàn ngành giáo dục sẽ cùng nhìn nhận lại chặng đường một năm với những thành tích, kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm học tiếp theo.

Năm học 2009-2010: 5 kết quả nổi bật:

Năm học 2009-2010 với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, ngành Giáo dục đã nỗ lực cố gắng phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Một trong những kết quả đáng ghi nhận phải kể đến hiệu quả từ các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành với sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu. 

Năm học 2009 - 2010, hàng loạt các văn bản mang tính chất quản lý và chỉ đạo điều hành về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được ban hành: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ; Nghị định của Chính phủ ban hành quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2011-2020; Đề án đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh cho các trường trung học phổ thông;...

Những văn bản định hướng ở tầm vĩ mô này, cộng với rất nhiều nỗ lực và thành quả bước đầu trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, thúc đẩy giáo dục toàn diện,.... của các địa phương đã lát những viên gạch đầu tiên trên con đường Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục của nước ta trong thập niên mới.
 

Năm học 2009-2010 là năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được cụ thể hóa với những công việc cụ thể, thiết thực;

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sau 2 năm triển khai đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội, cùng chung tay phối hợp thực hiện giáo dục toàn diện học sinh, 94% các trường tham gia phấn đấu đạt ở các mức độ khác nhau;

các cơ sở giáo dục đã vận dụng sáng tạo nội dung cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh";

Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức và phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả, mỗi giáo viên có một đổi mới dạy học, mỗi cán bộ quản lý có một đổi mới trong công tác quản lý của mình đã bước đầu được triển khai.

So với năm học trước, tình hình vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm hẳn (năm 2008 có 122 vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, năm 2009 có 24 vụ và 6 tháng đầu năm 2010 chỉ còn 12 vụ), nhiều địa phương không có trường hợp nào vi phạm.

Trật tự, kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã có chuyển biến căn bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 được thực hiện nghiêm túc, an toàn, khách quan, chính xác và công bằng ở tất cả các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp, thanh tra thi.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2010 toàn quốc là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp GDTX năm 2010 toàn quốc là 66,71%, cao hơn năm 2009 là 27,11%.

Các kỳ thi được tổ chức ngày càng nghiêm túc
Trật tự, kỷ cương thi cử trong toàn ngành đã có chuyển biến căn bản

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Công đoàn GDVN tổ chức vận động quyên góp hỗ trợ, giúp giáo viên và học sinh các tỉnh vùng khó được hơn 64 tỷ đồng tiền mặt; 3.868.340 quyển sách, vở viết; 184.970 bộ đồ dùng học tập; 601.399 quần áo ấm; 169.339 kg quần áo các loại và 37.166 hiện vật khác.

Cùng với kết quả từ các cuộc vận động, các phong trào thi đua, trong năm qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về giáo dục. Những văn bản này phát huy tác dụng điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thể chế hoá các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục trong tình hình mới; có tác động sâu sắc, nhanh chóng tới việc nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động giáo dục và đổi mới quản lý giáo dục, tạo hành lang pháp lý căn bản, không thể thiếu cho việc đẩy mạnh đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.

Công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực trong việc tập trung đổi mới nội dung bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng gắn hoạt động với tầm nhìn lãnh đạo, bồi dưỡng năng lực quản lý thích ứng trong điều kiện có nhiều thay đổi với vai trò tự chủ của nhà trường; thực hiện 3 công khai đã bước đầu nhận được sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục và xã hội; công tác quy hoạch được chú trọng, quản lý nhà nước về giáo dục đã có tiến bộ, trong đó quản lý chất lượng giáo dục được thực hiện ngày một thực chất hơn và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành; việc thực hiện phối hợp công tác của ngành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng 3 đoàn thể (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam) ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả cụ thể.

Các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được triển khai đồng bộ như: Thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; giáo dục phổ thông tiếp tục đánh giá sâu và điều chỉnh chương trình ở một số môn học; thực hiện tích hợp một số nội dung trong giảng dạy; hướng dẫn dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng; chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm; tất cả các tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, hoàn thành trước 6 tháng so với kế hoạch. Giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp thực hiện đa dạng nội dung chương trình. Giáo dục dân tộc được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng.

Quy mô phát triển trường lớp của các cấp học, loại hình học tập đều tăng; các trường trung cấp chuyên nghiệp được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo; tăng số lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, huyện và trung tâm học tập cộng đồng. Chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ giáo viên được đẩy nhanh và đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu kế hoạch, hạ tầng công nghệ thông tin được cải thiện. Các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác quốc tế cho giáo dục tiếp tục được tăng cường.

4 hạn chế :

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành Giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế. Đó là, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học sinh yếu kém còn chiếm tỷ lệ khá cao, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn; việc phân luồng học sinh THCS và giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả.

Không để HS vì  thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà không được đến trường
Không để HS vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà không được đến trường

Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có tiến bộ lớn nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch và thiếu đồng bộ. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT vào quản lý còn chậm.

Đa số các địa phương còn thiếu giáo viên tiểu học để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi / ngày. Các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu, cơ cấu đội ngũ chưa đồng bộ; chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo; vẫn còn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Công tác xây dựng quy hoạch, phát triển đội ngũ chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức.

Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập vẫn còn nhiều hạn chế; việc ứng dụng CNTT trong dạy học chưa linh hoạt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa việc khắc phục tình trạng dạy học theo cách "đọc chép" chưa được tích cực chỉ đạo ở nhiều nơi. Nhiều trường học chưa đảm bảo vệ sinh, thiếu nước sạch; thư viện còn nghèo nàn, phòng học bộ môn còn hạn chế về số lượng, chất lượng và hiệu quả sử dụng còn thấp.

Những bài học kinh nghiệm:

Từ những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế yếu kém còn tồn tại, bài học kinh nghiệm cũng đã được Bộ GD&ĐT rút ra. Trong đó nhấn mạnh, để phát triển giáo dục một cách hiệu quả cần nắm vững và vận dụng các quan điểm: Phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân từ đó ngành Giáo dục phải tích cực tham mưu cho Đảng, chính quyền các cấp, chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể và chiến lược phát triển lâu dài của GD&ĐT.

Việc đổi mới quản lý là điều kiện tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Muốn đổi mới quản lý thành công đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục phải đổi mới nhận thức về nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, thường xuyên là quản lý chất lượng giáo dục. Triển khai việc đổi mới được tiến hành kiên quyết và đồng bộ từ việc hình thành khung luật pháp, tăng cường năng lực đội ngũ quản lý, tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết về tài chính, nguồn lực và thông tin để đổi mới hiệu quả.

Các cấp quản lý giáo dục phải chủ động, tích cực đề xuất với các cấp có thẩm quyền những vấn đề có tính chiến lược cho phát triển giáo dục. Phải bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở; có ý thức tìm tòi, phát hiện và nhân rộng mô hình tốt; giải quyết kịp thời dứt điểm những vướng mắc, phát sinh.

Đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành với những giải pháp sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh là giải pháp tích cực, chủ động để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện của mỗi địa phương, mỗi đơn vị trường học.

Phong trào
Phong trào "Xây dựng THTT-HSTC" có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng (Ảnh HS trường THPT Ngô Sĩ Liên - Bắc Giang)

Năm học 2010-2011: Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành GD&ĐT xác định chủ đề năm học 2010-2011 là “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục đổi mới công tác tài chính giáo dục và phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Một trong những nhiệm vụ nhằm tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục là thực hiện tốt hơn quyền chủ động của cơ sở trong phân cấp quản lý giáo dục và phối hợp quản lý hệ thống giáo dục quốc dân; hoàn thành việc chuyển đổi loại hình trường theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD&ĐT; tổng kết Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010, hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI về lĩnh vực GD&ĐT.

Các Sở GD&ĐT hoàn thành xây dựng "Quy hoạch phát triển giáo dục của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020" để trình Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch của các địa phương, Bộ GD&ĐT xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý của cả nước.

Cùng với đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thông tin cho xã hội, lắng nghe ý kiến xã hội thông qua trang thông tin điện tử của Bộ, Báo điện tử Giáo dục và Thời đại của ngành và các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, triển khai rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác thanh tra. Đổi mới công tác thi đua và đánh giá các lĩnh vực công tác của ngành theo hướng các Cục, Vụ chức năng của Bộ phải theo dõi, đánh giá các lĩnh vực công tác phụ trách và là cơ sở quan trọng để các vùng bình xét thi đua. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục…

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT xác định tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, trong đó có việc  đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đối với các trường phổ thông và mầm non. 

Tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất và cảnh quan các trường học, phấn đấu 100% trường học có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Tiếp tục thực hiện “3 đủ” và xây dựng thư viện tư liệu trên mạng để giới thiệu về quê hương đất nước, các sáng kiến, kinh nghiệm triển khai phong trào thi đua và các hoạt động giáo dục của các địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học. Triển khai tài liệu hướng dẫn giáo dục kĩ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục. Tăng cường công tác y tế trường học. Tiếp tục triển khai hỗ trợ chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Nâng cao năng lực các phòng khảo thí và quản lý chất lượng ở các Sở GDĐT. Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 đồng thời trong giáo dục phổ thông (trước hết từ tiểu học), giáo dục nghề nghiệp, đại học, cao đẳng….

Thực hiện chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, thống nhất tiêu chuẩn và danh hiệu tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai rà soát định mức biên chế giáo viên và cán bộ quản lý ở các trường phổ thông, mầm non; các tỉnh chủ động thực hiện chính sách luân chuyển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và phối hợp thực hiện chính sách này trong phạm vi cả nước; rà soát, kiến nghị, điều chỉnh chính sách hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn. Triển khai thực hiện đại trà chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học, chuẩn hiệu trưởng trường trung học.

Xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Có chính sách đặc thù và kế hoạch để phát triển giảng viên sư phạm và giáo viên các môn học còn thiếu giáo viên như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng dân tộc, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Tin học….

Vấn đề đổi mới công tác tài chính giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương xây dựng và áp dụng mức học phí mới từ năm học 2010-2011. Đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, quy định bảo lưu phụ cấp cho nhà giáo được điều động về làm công tác quản lý giáo dục. Các Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với cơ quan tài chính để đề xuất định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho mỗi cấp học, trình độ đào tạo theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, ưu tiên ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chống mù chữ, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo chi cho giáo dục ở các xã miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục…

Về phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Xây dựng và triển khai đề án củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT, đề án phát triển giáo dục cho các dân tộc rất ít người Tiếp tục triển khai Đề án phát triển giáo dục ở 62 huyện nghèo. Thực hiện kiểm tra, đánh giá về chất lượng và hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị dạy học. Tiếp tục đầu tư, xây dựng  các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư xây dựng, hiện đại hóa hệ thống trường THPT chuyên. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường TCCN, các trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA về GD&ĐT, thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay vốn nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.