Khóc dở, mếu dở vì ôsin về quê ăn Tết

GD&TĐ - Nhiều gia đình ở các thành phố lớn đã quen với sự có mặt của người giúp việc (ôsin). Bởi mọi việc lặt vặt như nhà cửa, bếp núc, con cái... trong gia đình đều do một tay họ đảm trách và lo toan. Tuy nhiên, cứ đến dịp Tết đến, công việc gia đình luôn tăng lên nhiều lần, nhưng lúc đó ôsin lại… về quê ăn Tết. Biết bao chuyện gia đình đã phải “khóc dở, mếu dở” về chuyện ôsin vì về quê ăn Tết.

Gần Tết, không ít người giúp việc đã dùng đủ chiêu để ép gia chủ tăng lương, thưởng Tết
Gần Tết, không ít người giúp việc đã dùng đủ chiêu để ép gia chủ tăng lương, thưởng Tết

Dùng đủ “chiêu” đòi thưởng Tết

Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều cơ quan, doanh nghiệp (DN) đã phải thắt chặt chi tiêu, tiền thưởng Tết cũng không được bao nhiêu, trong khi cứ năm hết Tết đến là có bao nhiêu khoản không thể không chi như: mua sắm cho gia đình, con cái, quà cáp cho bố mẹ, ông bà... Đấy là chưa nói đến chuyện gia đình nào vẫn đang phải thuê ôsin thì cứ đến dịp cuối năm tiền thưởng của hai vợ chồng coi như... xong. Bởi chuyện không ít gia đình đã phải “bấm bụng” thưởng Tết cho ôsin có khi còn cao hơn cả tiền thưởng ở cơ quan mình để mong ra Tết họ quay lại làm việc.

Hai vợ chồng anh Hồ Ngọc Thụ ở Trung Hoà – Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) mở một công ty môi trường. Cuối năm nhiều nhà muốn lau rọn nhà cửa để đón Tết nên công việc nhiều nhưng vợ chồng anh lại phải đau đầu với việc làm thế nào để “giữ chân” ôsin ở lại. Ngày trước, anh chị đã phải nhờ trung tâm môi giới và kén chọn mãi mới ưng một người vừa có sức khoẻ, thật thà lại biết cách chăm sóc 2 con nhà anh chị.

Cuối tuần vừa rồi, ôsin nhà chị bỗng dưng đòi về quê ăn Tết sớm. “Công việc thì ngập đầu, bao nhiêu hợp đồng chưa làm xong mà hôm 19 âm lịch chị giúp việc cứ nằng nặc đòi về quê. Gặng hỏi mãi thì chị ta tỉnh khô trả lời là xin nghỉ sớm để đi dọn nhà theo tiếng, làm thế kiếm được nhiều tiền hơn. Rất bực mình, nhưng gần Tết kiếm đâu ra người giúp vệc nên tôi đã phải ngọt nhạt và hứa là cố gắng làm tốt từ nay đến 27 về, ngoài lương sẽ thưởng thêm 3 triệu đồng nữa chị ta mới gật đầu đồng ý ở lại” – chị Hoa than thở.

Chung cảnh ngộ với gia đình anh Thụ, vợ chồng chị Lan ở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cũng không khỏi bực mình khi nói về ôsin. Chị Lan cho biết, chồng chị làm ở một công ty xây dựng nên thường xuyên phải đi xa, ở nhà chỉ có 3 mẹ con và người giúp việc. Đứa lớn đã học lớp 10, nên thường ngày ở nhà ôsin chỉ có việc là chăm chút cho cậu con trai út và cắm cơm tối, thức ăn thì chị về nấu sau. Thế nhưng, sau 15/12 âm lịch đến nay, chiều nào đi làm về, chị Lan cũng thấy ôsin mặt nặng mày nhẹ, đôi khi lại còn “đá thúng đụng nia”. Tối tôi đi làm về hỏi sao giờ này chưa cắm cơm, mặt mũi thì lại khó chịu thế kia, cô ta không nói năng gì, quay ngoắt đi rồi liên tục thở dài, sai làm việc gì thì mặt mày lại cau có tỏ ý không bằng lòng.

Bực mình quá tôi mắng cho một trận rồi hỏi thẳng “cô có chuyện gì không hài lòng với tôi thì nói ra. Chứ sống cùng một nhà mà cứ như thế này thì khó chịu lắm”. Như được “gãi đúng chỗ ngứa”, nó nổ luôn một mạch. Nào nghe nói Tết năm nay cô định không thưởng gì cho cháu, chỉ định mua cho ít bánh kẹo làm quà mang về quê... Rồi so sánh với mấy người cùng quê đang làm giúp việc ở nhà này nhà nọ tuy mới chỉ 13, 14 âm lịch mà chủ nhà đã hứa là sẽ thưởng 3 đến 3,5 triệu đồng, cùng bánh kẹo, quần áo và tiền tầu xe...

Chấp yêu sách để giữ chân ôsin

Vợ chồng anh Quyết ở Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) không thể quên “bài học xương máu” của mình, cho biết: “Năm ngoái, mới chỉ ngày 22/12 âm lịch, ôsin nhà tôi đã nằng nặc xin về quê với lý do nhà neo người nên phải về dọn dẹp nhà cửa cho gia đình đón Tết. Không chỉ lấy đủ tiền lương, cô ta còn năn nỉ vợ chồng tôi cho ứng trước 2 tháng về để lấy tiền mua thuốc chữa bệnh cho bố, đồng thời hứa như “đinh đóng cột” trưa mùng 5 Tết quay trở lại làm việc bình thường.

Đến ngày hẹn chờ mãi không thấy chị ta lên, chiều tối gia đình đang ăn cơm thì thấy chị ta gọi điện lên thông báo là sẽ không lên nữa vì phải ở nhà lo công việc đồng áng cho gia đình. Tôi gặng hỏi lại vì công việc gia đình hay lý do gì, lúc đó cô ta nói thật do nhà tôi rộng lại nhiều tầng nên làm việc rất vất vả. Bởi vậy, nếu muốn cô ta lên làm việc tiếp thì phải tăng lương lên đến 4 triệu đồng/tháng. Dù thấy mức lương này quá cao, nhưng do đang rất cần người giúp việc nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận yêu sách để cô ta quay lên làm việc tiếp”.

Không chỉ có gia đình anh Quyết, mà gia đình chị Hương ở Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) lại “dở khóc, dở cười” hơn nhiều. Chị Hương kể: “Tôi sinh em bé được gần hai tháng. Chắc biết mình cần người nên mấy hôm nay cô giúp việc cứ nằng nặc đòi tăng lương.

Bực mình quá tôi muốn cho nghỉ ngay, rồi thời gian từ nay đến Tết sẽ đi thuê người giúp việc theo tiếng, sau đó ra giêng tính tiếp. Thế nhưng, mấy ngày hôm nay chồng tôi đi hỏi một số trung tâm giới thiệu việc làm, thì kiểu ô sin thời vụ đòi tiền công khá cao từ 150.000 đến 200.000 đồng/giờ.

Vậy là hai vợ chồng tôi đã bàn bạc với nhau và đành chấp nhận yêu sách nhằm giữ chân ôsin bằng cách tăng lương từ 3,5 lên 4 triệu đồng/tháng cộng thêm tiền thưởng Tết là 2 triệu đồng. Ngoài ra, nếu ở lại làm việc trong những ngày Tết (từ 27 đến 5) mỗi ngày sẽ trả 300.000 đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.