Khoảnh khắc thất vọng cùng cực của ông chủ Chelsea

GD&TĐ - Đã hơn 2 năm kể từ ngày tiếp quản Chelsea, ông chủ Todd Boehly lẫn bộ sậu vẫn đang lạc lối trong hành trình giúp The Blues tìm lại vinh quang.

Chủ tịch Todd Boehly bỏ về ở phút 84 trận Chelsea thua Man City. Ảnh: INT.
Chủ tịch Todd Boehly bỏ về ở phút 84 trận Chelsea thua Man City. Ảnh: INT.

Mất phương hướng

Khi người cũ Mateo Kovacic chọc thủng lưới Robert Sanchez, nâng tỷ số lên thành 2-0 cho Man City, ống kính truyền hình bắt gặp hình ảnh Chủ tịch Todd Boehly lập tức rời khỏi khu khán đài VIP của Stamford Bridge bỏ về. Trận đấu vòng đầu tiên giải Ngoại hạng Anh 2024-2025 còn chưa kết thúc.

Hành động đó của Todd Boehly đã nói lên tất cả. Ông không chỉ thất vọng mà còn mất hết niềm tin vào đội bóng của mình. Bởi, như người ta vẫn nói, khi bóng còn lăn nghĩa là mọi chuyện vẫn còn phía trước.

Thời điểm Todd Boehly bỏ về mới chỉ phút 84. Nghĩa là, nếu tính cả thời gian bù giờ, The Blues vẫn còn 10 phút để hy vọng - thời gian mà mọi chuyện trong bóng đá đều có thể xảy ra.

Vậy nhưng, ông chủ Chelsea đã không còn đủ kiên nhẫn nữa. Biết bao tiền của đã được tỷ phú này đổ vào đây nhưng The Blues vẫn đang trong đêm trường tăm tối, chưa tìm ra lối đi nào phù hợp.

Trang thống kê Transfermarkt chỉ ra rằng, trong hơn 2 năm kể từ ngày tiếp quản Chelsea, Todd Boehly đổ vào thị trường chuyển nhượng tới 1,15 tỷ bảng. Đó là số tiền khổng lồ so với ngân sách chuyển nhượng của chính những ông lớn khác như Real Madrid, Bayern Munich, Man City… nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.

Dù mang về những bản hợp đồng đắt giá nhưng phần lớn các “ngôi sao” cập bến Stamford Bridge đều có vấn đề về phong độ. Ngoài tiền đạo Cole Palmer chơi hay mùa giải trước, những “bom tấn” như Moises Caicedo, Romeo Lavia, Mykhailo Mudryk, Raheem Sterling, Nicolas Jackson, Enzo Fernandez… không chỉ thi đấu bết bát mà còn trở thành chủ đề “chế giễu” khi nói về chính sách chuyển nhượng của Chelsea thời Todd Boehly.

Không những thế, tỷ phú Boehly còn cho ra đời chính sách chuyển nhượng mới, hết sức lạ lẫm với truyền thống của các đội bóng châu Âu. Thay vì ký hợp đồng với thời hạn dưới 5 năm, tỷ phú người Mỹ thường ký những bản hợp đồng có thời gian dài từ 6-8 năm với một tân binh. Ông cũng liên tục phá giá trên thị trường chuyển nhượng, bỏ ra số tiền rất lớn mua cầu thủ.

Chính sách này có thể giúp Chelsea nhanh chóng đạt được mục tiêu lôi kéo thành công cầu thủ mà họ muốn. Đơn cử như việc họ thuyết phục Romeo Lavia “quay xe” với Liverpool để cập bến Stamford Bridge với giá 58 triệu bảng. Nhưng đến nay cầu thủ này chỉ mang đến thất vọng, thời gian dưỡng thương dài hơn thi đấu.

Chelsea lac loi den bao gio 1.jpg
Joao Felix bản hợp đồng mới nhất của Chelsea. Ảnh: INT.

Đánh mất bản sắc

Không chỉ lạc lối trên thị trường chuyển nhượng, Chelsea của Todd Boehly đã đánh mất bản sắc làm nên chiến thắng vốn trở thành thương hiệu. Đó là lối chơi phòng ngự chắc chắn, có chiều sâu đã được chứng minh trong hơn 2 thập kỷ thành công dưới thời Chủ tịch Abramovich.

Giai đoạn này, Chelsea thi đấu rất thành công, trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất ở châu Âu, giành được 21 danh hiệu lớn nhỏ khác nhau; trong đó có 5 danh hiệu Ngoại hạng Anh, vào các năm: 2005, 2006, 2010, 2015 và 2017.

Kỷ nguyên rực rỡ của The Blues bắt đầu với triều đại của Mourinho. Chiến thuật phòng ngự chặt chẽ “thà thắng 1-0 còn hơn thủng lưới” của chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã giúp đội bóng thành London nhiều lần vô địch Ngoại hạng Anh.

Kế tiếp Mourinho ở Chelsea là những chiến lược gia đề cao lối đá phòng ngự như Guus Hiddink, Roberto Di Matteo, Antonio Conte, Maurizio Sarri, Thomas Tuchel. Dù có những sở trường khác nhau nhưng họ đều xây dựng The Blues thành những tập thể có lối đá chắc chắn. Nhờ đó, The Blues còn giành 1 chức vô địch Champions Leagua, 1 cúp Europa League.

Vậy Chelsea dưới thời Todd Boehly thì sao? Kể từ ngày được tiếp quản bởi tỷ phú người Mỹ, người hâm mộ The Bleus không còn nhận ra bản sắc của đội nhà. Chelsea sở hữu nhiều hợp đồng bom tấn, nhưng chơi tấn công không được mà phòng ngự cũng không xong.

Đội bóng này hiện là một mớ hỗn độn không bản sắc, thi đấu phập phù, bết bát. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Ngoài chính sách chuyển nhượng bất hợp lý thì bất ổn trên băng ghế huấn luyện là một trong những cốt lõi.

Hơn 2 năm qua, ông Todd Boehly tiêu tốn rất nhiều tiền cho các huấn luyện viên. Từ Thomas Tuchel, Graham Potter, Frank Lampard, Mauricio Pochettino lần lượt đến rồi đi khỏi Stamford Bridge.

Trong đó, bộ đôi Graham Potter, Pochettino đến Chelsea với mức lương cao ngất ngưởng, mang về những bản hợp đồng đắt giá rồi ra đi “không kèn không trống” để lại “di sản” tệ hại cho người kế nhiệm. Và giờ là Enzo Maresca – một huấn luyện viên ít danh tiếng và hành trang huấn luyện còn rất khiêm tốn.

Mùa giải 2024-2025 mới bắt đầu, song nhìn cái cách Chelsea thua “tâm phục khẩu phục” ngay trên sân nhà trước Man City thì có thể thấy, The Blues gần như không có cửa đua tranh chức vô địch. Sự yếu kém đó có trách nhiệm chính của ông chủ Todd Boehly. Từ một đội bóng hùng mạnh, giàu thành tích, Chelsea giờ đây chỉ như một gã nhà giàu lạc lối, nguy cơ khủng hoảng đang bủa vây.

Theo tiết lộ của tờ The Sun, hơn 2 năm qua, đã có 39 tân binh cập bến Stamford Bridge; trong đó có 36 cầu thủ được mua đứt và 3 cầu thủ theo dạng cho mượn. Bản hợp đồng mới nhất là với tiền đạo Joao Felix từ Atletico Madrid với mức phí chuyển nhượng 42,6 triệu bảng.

Tổng số tiền mà Chelsea đã chi để mua cầu thủ dưới thời ông chủ Todd Boehly là hơn 1,15 tỷ bảng. Đáng chú ý, trong suốt 19 năm dưới thời ông chủ cũ Roman Abramovich, Chelsea chi 1,99 tỷ bảng. Sau khi trừ đi số tiền 860 triệu bảng thu được từ việc bán cầu thủ, tổng chi tiêu ròng của “The Blues” trong gần 2 thập kỷ này là 1,33 tỷ bảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.