Khoảng trống trong phim thiếu nhi

GD&TĐ - Số lượng các bộ phim truyền hình cũng như điện ảnh ở Việt Nam khá lớn, tuy nhiên để tìm ra những bộ phim dành cho thiếu nhi thì hầu như quá ít ỏi. 

Khoảng trống trong phim thiếu nhi

Bên cạnh vấn đề về kinh phí, thì việc lựa chọn được một kịch bản hay có chất lượng để dàn dựng vẫn là điều mà những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa cho thiếu nhi trăn trở.

Thiếu vắng phim cho thiếu nhi

Đề cập đến dòng phim thiếu nhi, đa phần các nhà sản xuất phim đều khẳng định đây là khoảng trống rất hấp dẫn. Bởi nhu cầu thưởng thức phim của khán giả nhỏ tuổi thực sự lớn. Quá trình thực hiện những cảnh quay phim thiếu nhi cũng đơn giản hơn, ít phải dùng kỹ xảo hay dựng trường quay, bối cảnh không phức tạp. Hơn thế, phim thiếu nhi không chỉ dành cho những người nhỏ tuổi mà còn được số đông khán giả lớn tuổi quan tâm.

Tuy nhiên trên thực tế, mảng phim dành cho thiếu nhi vẫn còn quá ít ỏi. Chỉ có thế đếm trên đầu ngón tay những bộ phim đặc sắc dành cho lứa tuổi các em như “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Kính vạn hoa”, “Đất phương Nam”…

Những bộ phim này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Không chỉ nội dung phim hấp dẫn mà diễn xuất của các diễn viên nhí trong phim đã thể hiện được sự hồn nhiên tinh nghịch của lứa tuổi học trò.

Có điều sau sự ra mắt của những bộ phim này thì phim truyện dành cho thiếu nhi dường như chững lại một thời gian khá dài. Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã mang lại sự thích thú, hào hứng không chỉ cho các em nhỏ mà cả người lớn.

Sự gần gũi trong cuộc sống đã khơi gợi và chạm tới những xúc cảm thân thương về tuổi thơ mà nhiều người gặp lại hình ảnh của mình trong đó. Tiếc rằng những bộ phim dành cho thiếu nhi không nhiều. Cơn sốt doanh thu cho bộ phim này cũng là một minh chứng cho thấy phân khúc phim dành cho thiếu nhi luôn là mảnh đất còn nhiều khoảng trống để các đạo diễn và các nhà sản xuất khai phá.

Còn nhiều rào cản

Có nhiều lý do để dẫn tới sự khan hiếm phim truyện dành cho thiếu nhi trong dòng chảy điện ảnh đương đại. Nhưng lý do lớn nhất là vấn đề kinh phí. Kinh phí Nhà nước dành để đầu tư phim thiếu nhi quá hạn hẹp phải trông đợi vào sự đầu tư của các “mạnh thường quân”.

Thông thường các nhà sản xuất thường chọn dòng phim thị trường dành cho tuổi teen hoặc người lớn. Bởi khi chọn thể loại phim này thì việc thu lợi nhuận nhiều và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên sau thành công của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có thể thấy rằng, một bộ phim nghệ thuật dành cho thiếu nhi vẫn có thể đạt được doanh thu khủng nếu thực sự có giá trị và lay động được tới trái tim khán giả, chứ không hẳn dành kinh phí khủng để đầu tư.

Đạo diễn Nguyễn Minh Chung, người từng chuyển thể và đạo diễn phim truyền hình “Kính vạn hoa” (từ tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh), cho rằng: “Làm phim thiếu nhi rất khó, để làm hay càng khó khăn gấp trăm lần”.

Theo một số nhà biên kịch, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một tuổi thơ nhưng đôi khi để vẽ nên lại rất khó khăn trong ngôn ngữ. Viết về tuổi thơ đã khó, viết cho hay lại không dễ. Phim thiếu nhi dù ít nhưng lâu nay không ấn tượng cũng vì kịch bản quá hời hợt. Như vậy giải pháp chọn tác phẩm văn học của những nhà văn tên tuổi là cách tối ưu để tạo nên thành công cho phim thiếu nhi.

Bên cạnh đó thì vấn đề diễn viên cũng là một trở ngại lớn. Đạo diễn Bùi Như Lai cho rằng, diễn viên nhí giờ không thiếu. Minh chứng ở các cuộc thi, gameshow, truyền hình thực tế có rất nhiều các em nhỏ tự tin thể hiện tài năng.

Tuy nhiên, để các em tham gia một bộ phim truyền hình thì mất rất nhiều thời gian của các em và của chính đoàn làm phim. Vì lứa tuổi này vẫn phải đến trường học văn hóa. Để các em tham gia đóng phim có khi phải mất cả năm ròng. Liệu rằng nhà trường và phụ huynh có “hy sinh” cho các em theo đuổi nghệ thuật? Cộng thêm việc uốn nắn diễn viên nhí trên phim trường cũng là một khó khăn, thách thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.