“Tài vụ” bất đắc dĩ
Chia sẻ về nỗi niềm không dám tỏ cùng ai, cô L.Đ (giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Ban giám hiệu vẫn “nhờ” giáo viên trường cô thu giúp một số khoản tiền từ phụ huynh học sinh như: Bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, mua SGK…
“Đầu năm giáo viên rất bận, để thu một khoản tiền cho lớp sĩ số trên 50 học sinh không thể xong trong 1 buổi. Có những khoản thu, giáo viên mất vài buổi đi sớm về muộn, ngồi ghi chép… Đóng tiền trước buổi học cho cô giáo chưa xong cuối buổi dạy ở lại để thu tiếp. Dù là khoản thu công khai, nhưng cô giáo cứ ngồi ghi chép, nhận tiền từ phụ huynh, hẳn học sinh nhìn thấy cũng không được đẹp mắt. Trẻ con có khi không hiểu lại tưởng cô “buôn” sách, bán bảo hiểm… Chưa kể, phụ huynh liệu có hiểu cô thu giúp thôi không, hay nghĩ cô được “ăn” phần trăm trong các khoản tiền đó”, cô L. Đ bày tỏ.
Chị Nguyễn Vân Trang (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng: Nhà trường nên có cách thu các khoản tiền bắt buộc và tự nguyện thuận tiện cho phụ huynh, cũng như đỡ vất vả cho giáo viên. Việc không dùng tiền mặt phổ biến ở trường ngoài công lập, một số địa phương bắt đầu áp dụng cho trường công lập. Hơn nữa phụ huynh đa phần nhận lương qua tài khoản, các trường nên tận dụng hình thức này thay vì tụ tập đông người tại phòng tài vụ hoặc chờ đến cuối buổi để đóng cho giáo viên.
Minh bạch các khoản thu
Theo cô Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), để giữ hình ảnh cho giáo viên, nhà trường công khai, minh bạch các khoản thu, cách thu.
“Tất cả khoản tiền cần thu, được phép thu đều được nhà trường công khai minh bạch từ đầu năm học, tại buổi họp Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, cha mẹ học sinh của lớp. Nhà trường khuyến khích phụ huynh nộp vào tài khoản.
Điểm mới trong việc thu các khoản tự nguyện và bắt buộc ở Trường Tiểu học Bình Minh, nhà trường kết hợp với ngân hàng, phụ huynh nộp các khoản thu bắt buộc và tự nguyện theo hình thức chuyển khoản, không mất thời gian, lại minh bạch và rõ ràng.
“Đã là giáo viên, hình ảnh trong mắt học trò phải luôn mẫu mực, từ lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc, nói chuyện với cha mẹ học sinh. Ban giám hiệu phải xác định giáo viên là hình ảnh đại diện cho nhà trường. Hiệu trưởng phải biết lắng nghe ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh. Khi phụ huynh đã thấu hiểu nhà trường, giáo viên, tôi tin họ sẽ đồng hành, chung sức cùng nhà trường để con em có điều kiện học tập tốt hơn” cô Hà nhận định.