'Khoác áo mới' cho tranh dân gian

GD&TĐ - Nhóm nghệ sĩ Latoa Indochine đã và đang nỗ lực phục hồi, lưu giữ và nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc.

Một trích đoạn của tác phẩm 'Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ'.
Một trích đoạn của tác phẩm 'Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ'.

Triển lãm tranh sơn mài 'Mạch di sản' sẽ trưng bày 60 bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng với những chủ đề quen thuộc.

Với mục tiêu lan tỏa văn hóa truyền thống tới người trẻ và bạn bè quốc tế, nhóm nghệ sĩ Latoa Indochine đã và đang nỗ lực phục hồi, lưu giữ và nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc.

Theo mạch di sản dân gian Việt

Được khởi nguồn từ một nhóm các họa sĩ có niềm mê đặc biệt với dòng tranh dân gian với mục tiêu lan tỏa văn hóa truyền thống, từ ngày 9/8 đến 3/9 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ (49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), triển lãm “Mạch di sản” sẽ kể câu chuyện thật kỳ thú về dòng tranh dân gian, được tái tạo kết hợp giữa kỹ thuật tranh sơn mài và sơn khắc, mang đến góc nhìn mới mẻ về nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Đại diện Latoa Indochine cho biết, triển lãm tranh sơn mài “Mạch di sản” sẽ trưng bày 60 bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng với những chủ đề quen thuộc như: Lợn đàn, Thần Kê, Đánh ghen, Ngũ Hổ, Đám cưới chuột… được tái tạo kết hợp giữa kỹ thuật tranh sơn mài và sơn khắc, mang đến góc nhìn mới mẻ về dòng tranh truyền thống.

Những họa sĩ của Latoa Indochine nói rằng, bóc tách từng lớp lang văn hóa hiện trên mỗi bức tranh dân gian, cũng đủ thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng, độc đáo đến nhường nào.

Bức tranh được gọi là “chuột rước rồng”, nhưng không phải để tôn vinh rồng phượng, mà như một ngày hội vui, biểu dương lực lượng của những chú chuột có thân phận thấp kém hơn rồng. Chuột vốn sợ ánh sáng, nhưng vẫn rước đèn, như ngầm gửi thông điệp về việc đàn chuột sung túc tự tin hội hè khi Tết đến xuân về.

Hình tượng chuột trong tranh dân gian Đông Hồ còn thể hiện ở bức tranh “Chuột múa rồng”. Bức tranh tiếu lâm dân gian, miêu tả đàn chuột rước rồng trong một lễ hội. Ngày xưa, người Hoa ở Hà Nội hay tổ chức trò vui như múa rồng, múa lân vào các dịp lễ hội như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán.

Các cuộc múa rồng được diễu hành qua các con phố. Rồng được làm bằng giấy hay vải đính vào sào. Chuột được nhân cách hóa cầm sào nhảy múa, cầm đèn lồng hình cá, hình các loại hoa quả, có nhóm cầm cờ hay phù hiệu, có nhóm nhạc công thổi kèn, đánh trống trên xe kéo, đánh chiêng, đốt pháo.

Tổng cộng có 11 chú chuột nhưng đáng chú ý là những con chuột có đuôi rất dài. Có thể do nghệ nhân muốn đặc tả đặc điểm của người Hoa vào thời Mãn Thanh tết tóc dài đuôi sam cách đặc biệt.

Sự độc đáo của tác phẩm dân gian không dừng lại ở đặc tả hay thông điệp. Có những bức tranh – như “Xích Hổ” được chủ ý sáng tạo “2 trong 1”, nghĩa là tác phẩm sơn mài khắc 2 mặt. Chỉ cần “lật mặt” là thành một bức tranh mới đẹp long lanh. Trong ngũ hành tương sinh, Xích Hổ đại diện cho sự sống tượng trưng cho lửa, cho sự công bằng, công lý hay danh dự cũng như tinh thần bất diệt, sự nhiệt huyết và tấm lòng quả cảm.

Trong khi đó, Thần Kê trong tranh Kim Hoàng thường được người xưa dán lên cửa vào những ngày Tết. Bức tranh tươi sáng với ý nghĩa đem lại sự may mắn, nhưng ý nghĩa thực sự lại được người xưa thực hiện như một “tranh bùa” trấn giữ nhà cửa, xua đuổi tà ma. Người xưa tin rằng, Thần Kê có sức đến quỷ thần cũng phải khiếp sợ.

Mỗi bức tranh dân gian đều phản ánh sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người trong xã hội xưa. Qua tài sáng tạo và biết bao tâm huyết của các họa sĩ, những hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện tỉ mỉ, sắc nét, có chiều sâu. Các họa sĩ sẽ đưa người xem quay ngược về quá khứ, để thấy mạch chảy của di sản từ truyền thống đến hiện đại.

khoac ao moi cho tranh dan gian (1).jpg
Các họa sĩ của Latoa Indochine mong muốn lan tỏa văn hóa truyền thống tới đông đảo công chúng.

Đi đến tận cùng truyền thống

Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu thêm các đề tài về sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật… bằng chất liệu sơn mài, thể hiện tình yêu và đam mê nghệ thuật. Trong thời gian diễn ra triển lãm, nhóm họa sĩ Trần Thiệu Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thái Học, Lương Minh Hòa còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm sơn mài khắc và họa màu dân gian để công chúng hiểu thêm về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam.

Chất liệu sơn mài vốn được coi là “đặc sản” của nghệ thuật Việt Nam. Trong khi đó, tranh dân gian vốn đã gắn bó với người Việt như một lẽ sống. Tuy nhiên khi đời sống thay đổi, nhiều dòng tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Sự tái tạo, “khoác áo mới” cho tranh dân gian trên nền vật liệu sơn mài chính là thực hành sáng tạo đi đến tận cùng của truyền thống.

khoac ao moi cho tranh dan gian (3).jpg
Các tác phẩm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc đem lại các giá trị mới của hiện đại, bền bỉ và sang trọng.

Các họa sĩ nhóm Latoa Indochine đã sử dụng phương pháp nghệ thuật cổ - kim kết hợp: Sơn mài khắc. Thay cho cái rực rỡ của tranh Hàng Trống nguyên bản, khi vào sơn mài, các gam màu trở nên trầm lắng hơn. Đặc điểm của sơn mài là sơn và mài. Sau mỗi lần sơn, các nghệ sĩ lại mài đến khi đạt hiệu ứng màu sắc, ánh sáng cần thiết.

Mỗi tác phẩm được làm qua rất nhiều công đoạn như vẽ phác thảo, dùng công cụ khắc lõm chi tiết, lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc sau lần mài... Toàn bộ công đoạn cho một tác phẩm khoảng 15 - 20 bước, mất khoảng 45 - 60 ngày mới có thể hoàn thiện.

Năm 2022, Latoa Indochine đã trưng bày gần 100 tác phẩm đặc biệt trong triển lãm “Con đường” tại Bảo tàng Hà Nội. Trong đó, tác phẩm đặc biệt gây chú ý là “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” dài gần 5m, được vẽ theo lối trường quyển gồm 2 trường đoạn, 82 nhân vật, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm (Tràng An, Ninh Bình) trở về, được vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón.

Với cách thể hiện đầy sáng tạo và thú vị, những tác phẩm “truyền thống trong truyền thống” đã mở ra con đường mới cho những dự án phục hồi và bảo tồn giá trị nghệ thuật. Đồng thời lan tỏa được di sản văn hóa mà cha ông để lại, nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài.

Các họa sĩ của Latoa Indochine với sứ mệnh chấn hưng nghề thủ công truyền thống, đưa sản phẩm truyền thống tới gần hơn với người dân và bạn bè quốc tế. Mục tiêu của nhóm là phục hồi hồn cốt, sự tinh túy trong cách biểu đạt, linh khí và tinh thần dân tộc, không quên kết hợp hài hòa các dòng chảy văn hóa để tranh dân gian hiện đại và sang trọng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

áo thun đồng phục công ty may hải anh áo thun cá sấu đăk lăk Tham khảo mẫu đồng phục bệnh viên chất lượngThời trang vest trung niên xu hướng mới www.thoitranghaianh.com