Vụ không tặc bí ẩn nhất thế kỷ XX

GD&TĐ - Một trong những bí ẩn nhất của Mỹ thời hiện đại là vụ không tặc vào năm 1971. Kẻ khống chế phi hành đoàn, bắt hành khách làm con tin sau khi nhận 200.000 USD tiền mặt đã nhảy dù khỏi máy bay và mất dạng.

Chiếc Boeing 727 tại sân bay Portland trước khi bị không tặc.
Chiếc Boeing 727 tại sân bay Portland trước khi bị không tặc.

Đây là vụ không tặc thành công duy nhất cho đến nay. Sau gần 50 năm bế tắc, mới đây các nhà khoa học đã có những phát hiện đáng chú ý trên số tiền mà thủ phạm làm rơi vãi. 

Vụ cướp máy bay táo bạo

Vào một buổi chiều ngày 24/11/1971, một người đàn ông tự xưng là “Dan Cooper” (sau đó bị báo cáo nhầm là “D.B”) lên máy bay ở Portland, bang Oregon để đến Seatle, bang Washington chỉ với một chiếc cặp tài liệu bên mình.

Ông ta mặc một bộ vest với chiếc cà vạt màu sáng, ngồi hàng ghế cuối, hút thuốc lá và gọi một ly uýt-ky với soda (điều này không có gì bất thường theo những quy chuẩn vào năm 1971). 

Sau khi máy bay cất cánh, ông ta gọi một tiếp viên hàng không tới, đưa cho cô ta mảnh giấy nhỏ và báo cho biết ông có bom trong chiếc cặp.

Thấy nữ tiếp viên hoài nghi, ông ta mở cặp ra để lộ ra một mớ dây điện, hộp pin và 8 ống xy lanh màu đỏ. Không chút chậm trễ, mảnh giấy được chuyển đến phi công, cùng với danh sách những đòi hỏi của Cooper, bao gồm: 4 chiếc dù, một xe tải chở nhiên liệu đợi sẵn ở Sea - Tac (phi trường quốc tế Seatle), một chuyến bay thứ nhì đến Mexico City và 200.000 USD tiền mặt. 

Khi máy bay hạ cánh xuống Seatle, Cooper ra lệnh cho hành khách đi lại trên máy bay để tránh lực lượng FBI nhắm bắn tỉa vào hắn. Sau khi dù và tiền được mang lên máy bay, các con tin đã được thả, Cooper ra lệnh cho phi công cất cánh đến Mexico, nhưng phải bay “thấp và chậm”.

Sau đó, hắn đi xuống phía cầu thang sau, mở cửa rồi lao ra khỏi máy bay với số tiền và 2 chiếc dù. Những gì còn lại của hắn là những mẩu thuốc lá, chiếc cà vạt và một ít tóc trên ghế ngồi. Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy tên không tặc này. 

Biến mất không dấu vết

Không tặc DB Cooper và số tiền chuộc bị rơi rớt.
Không tặc DB Cooper và số tiền chuộc bị rơi rớt.

Nhiều người cho rằng Cooper không thể sống sót trong cú nhảy dù này, nhưng những người khác thì nghĩ hắn đã thoát thân vì nếu mất mạng thì thi thể của hắn phải được tìm thấy.

Dấu vết duy nhất của vụ không tặc được tìm thấy là một bó tiền 5.800 USD mệnh giá 20 USD bị mục rã, nằm trong một cái túi nằm cách sông Columbia chỉ vài mét, được phát hiện bởi một cậu bé 8 tuổi tên là Brian Ingram vào năm 1980.

Tang vật được các kỹ thuật viên của FBI xác nhận đúng là loại tiền chuộc đã đưa cho Cooper. FBI tiến hành khám xét tỉ mỉ những vùng đất gần con sông này để tìm dấu vết có liên quan đến Cooper, nhưng không phát hiện được gì. 

Sáu năm sau khi phát hiện số tiền, cậu bé được phép giữ lại 2.760 USD trong số đó. Năm 2008, cậu đã bán 15 tờ 20 USD bị rã thành nhiều mảnh trong một cuộc đấu giá, thu về 37.433,38 USD.

Trong quá trình điều tra vụ án, FBI đã thẩm vấn hơn 800 người tình nghi nhưng đều không có kết quả.

Kỳ lạ là có một số người tự xưng là Cooper. Vào năm 1995, ba ngày trước khi chết, một người đàn ông tên là Duane Weber thú nhận với vợ rằng mình là Cooper, nhưng FBI đã loại ông ta khỏi vòng nghi vấn, sau khi các kỹ thuật viên kết luận dấu tay của ông không trùng với các dấu tay của tên không tặc trên máy bay.  

Kenny Christiansen được nhận định là một nghi can khác, nhưng không phải do FBI.

Người em của Christiansen tin rằng anh của mình là Cooper, sau khi xem một phim tài liệu trên TV về vụ án. Mọi thứ dường như phù hợp: Christiansen đã được huấn luyện trở thành lính nhảy dù; chỉ trong vài tháng sau vụ không tặc, có đủ tiền mặt mua một ngôi nhà; và thú tội trước khi chết.

Hóa ra mọi chuyện không phải như vậy. Ông ta không đủ kỹ năng nhảy dù trốn thoát sau khi gây án và một thám tử nghiệp dư đã theo dấu nguồn tiền thì thấy đây là tài sản hợp pháp của ông Kenny Christiansen.

Mọi thứ đi vào ngõ cụt và vào năm 2016, FBI tuyên bố kết thúc điều tra nhưng nhấn mạnh, hồ sơ vụ án vẫn được mở.

Phát hiện khoa học  trên vật chứng

Sau vụ nhảy dù của Cooper và các vụ không tặc bắt chước tiếp theo, Cục Hàng không Liên bang Mỹ bắt đầu thực hiện việc khám xét tất cả hành khách và hành lý trước khi lên máy bay. Ngoài ra, vụ này cũng làm thay đổi ngành hàng không, thông qua sự ra đời của “chốt Cooper”. Chốt này được thiết kế bên ngoài máy bay để ngăn cầu thang phía sau bị kích hoạt khi ở trên không. Cửa buồng lái cũng bắt đầu có những ô kính để phi hành đoàn có thể quan sát hành khách mà không cần mở cửa.

Mới đây, các nhà khoa học đã khám phá những chi tiết mới hấp dẫn trong vụ không tặc này, liên quan đến số tiền chuộc mà cậu bé Ingram nhặt được vào năm 1980.

Một giả thuyết trước đây cho rằng, tiền bị văng ra lúc Cooper tiếp đất bằng dù. Không chấp nhận điều này, nhà khảo cổ học Tom Kaye, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Văn hóa Burke ở Seattle đã sử dụng kính hiển vi điện tử để xác định loài “tảo cát”, những mảng tảo nhỏ, trên các tờ tiền của Cooper.

Ông nói: “Chúng tôi tự hỏi liệu có thể sử dụng những loài tảo khác nhau tìm thấy trên trên tờ tiền Cooper cách nay rất lâu để xác định khi nào tiền bị ướt và khi nào tiền rơi xuống đất hay không”. 

Qua phân tích, Kaye thấy tảo trên đó có niên đại từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1972. Như vậy số tiền thu được bị ướt trong vài tuần hoặc vài tháng sau vụ không tặc.

Tờ Daily Mail viết: “Phát hiện cho thấy, số tiền đã được cất giữ an toàn ở một nơi khô ráo trong nhiều tháng, sau khi thủ phạm tiếp đất, sau đó nó mới được chuyển đi và rơi rớt”.

Trong khi sự phát hiện mới này là một gợi ý mở để theo dấu tội phạm, thì nó lại đặt ra nhiều câu hỏi hơn, chẳng hạn như nơi ở của Cooper và những gì đã xảy ra với số tiền còn lại. Mọi thứ vẫn còn là điều bí ẩn.

Theo Historydaily và Thevintagenews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ