Việt Nam sản xuất thành công thiết bị laser vi điểm cho phẫu thuật thẩm mỹ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công thiết bị phẫu thuật thẩm mỹ bằng công nghệ laser vi điểm có giá thành thấp hơn 30% so với máy ngoại nhập. 

Khách mời sự kiện tham quan và nghe giới thiệu về cách điều khiến máy laser vi điểm.
Khách mời sự kiện tham quan và nghe giới thiệu về cách điều khiến máy laser vi điểm.

Sáng 18/12, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp do dự án khởi nghiệp Lascitec. Đây là một doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.

Được biết, sau nhiều năm nghiên cứu, học tập công nghệ tại Hàn Quốc, doanh nghiệp này đã hoàn thiện công nghệ chế tạo máy phẫu thuật thẩm mỹ ứng dụng công nghệ laser vi điểm.

Đặc biệt, thiết bị này hoàn toàn được nội địa hóa từ việc thiết kế mạch điều khiển, xây dựng phầm mềm hoạt động, thiết kế cơ khí,…với giá thành thấp hơn 30% so với các thiết bị ngoại nhập. Mỗi thiết bị laser vi điểm Lascitec có giá khoảng 15.000 USD (khoảng hơn 300 triệu đồng). 

Thiết bị sử dụng công nghệ Laser Fractional CO2 ứng dụng lâm sàng trong việc tái tạo da, xóa sẹo. Thiết bị laser vi điểm sử dụng loại Sur Laser (Laser CO2) có bước sóng cực nhỏ với 10.60 micromet, thích hợp trong điều trị tái tạo da và xóa sẹo.

Theo BS Nguyễn Quốc Huy - chuyên khoa I da liễu, thiết bị này hoàn toàn dễ sử dụng. Phía trước sẽ có một màn hình điểu khiển các thông số hoạt động của máy. Người điều khiển chỉ cần thiết lập sẵn là có thể điều khiển máy hoạt động.

“Với mỗi loại da sẽ thiết lập những thông số điều khiển khác nhau. Vì thế, trước khi sử dụng bác sỹ phải có những kiểm tra lâm sàng tình trạng của bệnh nhân và điều chỉnh thiết bị laser hợp lý theo kinh nghiệm chuyên môn của mình. Sau đó, bác sỹ sẽ thử một điểm trên da và đánh giá tác động đến da rồi mới tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo” - BS Huy nói.

Hiện tại, thiết bị đã được chuyển giao và đưa vào sử dụng tại bệnh viện 108, tại Hà Nội và một số phòng khám, trung tâm thẩm mỹ ở TPHCM và một số tỉnh. 

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP đã đánh giá cao tính thương mại của sản phẩm máy laser vi điểm với những vượt trội về mặt công nghệ. Ông cho biết, sản phẩm này sẽ còn có tiềm năm phát triển thị trường trong thời gian tới.

“Thị trường cho các sản phẩm làm đẹp ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới.Tôi tin rằng với đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm, các giải pháp công nghệ Việt sẽ được tiếp tục phát triển trong lĩnh vực giàu tiềm năng này” - PGS. Quốc kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.