Ứng dụng khoa học công nghệ cảnh báo và giảm thiểu thiên tai

GD&TĐ - Sáng nay 28/8/2020, tại Trường ĐH Thủy lợi đã diễn ra Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về công nghệ tiên tiến trong xử lý Tín hiệu, Viễn thông và Điện toán (SigTelCom2020), nhằm cảnh báo và giảm thiểu tác hại từ thiên tai.

Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước
Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước

Đây là diễn đàn giao lưu học thuật hàng đầu nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất về các lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán.   

Hội thảo nhận được sự tham gia của 3 diễn giả chính là những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán, đó là: Giáo sư Nguyễn Đức Hòa (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Phó giáo sư Lê Minh Hòa (Đại học Northumbria, Vương quốc Anh) và Tiến sĩ Antonino Masaracchia (Đại học Queen"s Belfast, Vương quốc Anh).

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo
Các nhà khoa học tham dự Hội thảo

Hội thảo đã thu hút hơn 50 tác giả đến từ 15 quốc gia. Mỗi tham luận được đánh giá bởi ít nhất 3 chuyên gia được chọn từ 295 thành viên của Ủy ban Chương trình Kỹ thuật từ các học viện, phòng thí nghiệm và các ngành công nghiệp. Ủy ban Chương trình Kỹ thuật của SigTelCom2020 đã lựa chọn 21 bài báo chất lượng để trình bày tại hội thảo và xuất bản trong Kỷ yếu của hội thảo.

Các tham luận cho thấy những nội dung của hội thảo SigTelCom2020 đều hướng đến các vấn đề mang tính thời sự về lý thuyết, thuật toán và ứng dụng để xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán với chủ đề Internet kết nối vạn vật và mạng truyền thông 5G giảm thiểu thảm họa thiên nhiên và suy thoái môi trường.

Một ứng dụng nghiên cứu được Trường ĐH Thủy lợi chế tạo thành công
Một ứng dụng nghiên cứu được Trường ĐH Thủy lợi chế tạo thành công

Hội thảo SigTelCom2020, được chia ra làm việc ở các tiểu ban nhỏ, bao gồm 4 phiên chuyên đề chính: Hệ thống điện tử và điều khiển; Công nghệ an toàn, bảo mật và điện toán; Hệ thống và mạng viễn thông; Kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng. 

Với mong muốn sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh, Hội thảo đã mở ra cơ hội nâng cao chất lượng nghiên cứu, đẩy mạnh cơ hội công bố quốc tế cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quý giá cho các nhà khoa học hoạt động trong các lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật các thông tin, kiến thức mới qua các phiên tổng thể và phiên chuyên đề.

Là một quốc gia ven biển, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng và thảm họa ven biển, với quy mô và cường độ ngày càng tăng. Đề xuất một mạng lưới viễn thông khẩn cấp phục vụ cho việc ứng phó thiên tai và được triển khai dựa trên các phân tích dựa dữ liệu lớn, có khả năng cải thiện độ chính xác của các dự đoán là việc cần làm.  

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Đại học Thủy lợi và GS.TS Dương Quang Trung, Đại học Queen’s Belfast đồng chủ nhiệm thực hiện Dự án “Hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi trước các nguy cơ ven biển: Cách tiếp cận phân tích dữ liệu lớn”. Dự án thuộc Chương trình Kết nối Xây dựng Môi trường nghiên cứu. "Chúng tôi mong muốn những nghiên cứu này sẽ giúp phòng chống thiên tai hiệu quả hơn". - GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ