Thực tế ảo: Ngành giải trí béo bở ở Trung Quốc

GD&TĐ - Chen Jiuxiao đeo chiếc kính thực tế ảo vào và ngay lập tức được dịch chuyển đến một dốc trượt phủ đầy tuyết, nơi cô có thể trượt thoải mái mà vẫn không phải rời khỏi Thượng Hải. Là người làm việc trong ngành dịch vụ khách hàng, Chen (25 tuổi) đã có chuyến du lịch tới một trong những khu giải trí VR (thực tế ảo) ở Thượng Hải sau lời giới thiệu từ những người bạn am hiểu công nghệ.

Trung Quốc có khoảng 3.000 khu giải trí VR trong năm 2016 và thị trường được dự báo sẽ tăng gấp 13 lần vào năm 2021
Trung Quốc có khoảng 3.000 khu giải trí VR trong năm 2016 và thị trường được dự báo sẽ tăng gấp 13 lần vào năm 2021

“Tôi cảm thấy như không có trọng lượng trong lúc trượt tuyết xuống núi. Phong cảnh xung quanh tôi rất đỗi chân thực”, cô Chen phấn khích trả lời sau khi quay lại với thế giới thực tại.

Theo một báo cáo chung của iResearch Consulting Group và Greenlight Insights, Trung Quốc đã có khoảng 3.000 khu giải trí VR trong năm 2016 và thị trường được dự đoán sẽ tăng lên 13 lần vào năm 2021 và lợi nhuận hàng ngày thu về lên đến hàng tỷ nhân dân tệ.

“Tăng trưởng của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới có thể cho thấy sự nổi trội của mảng AR/VR với lợi nhuận lớn và bền vững”, theo Digi-Capital, công ty tư vấn tại Thung lũng Silicon cho biết trong một báo cáo năm 2018. Cùng với đó, ngành dịch vụ công nghệ mới nổi này của Trung Quốc có tiềm năng lấy được hơn 1 đô la trong 5 đô la chi tiêu vào ngành công nghiệp này trên toàn cầu vào năm 2022, báo cáo cho biết thêm.

Hàng chục triệu người Trung Quốc đã trở thành những con nghiện game online, điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc đang nuôi dưỡng một thế hệ trẻ cận thị vì nghiện game bạo lực. Năm 2018, nhà chức trách đã áp đặt các qui định kiềm chế số lượng trò chơi mới được phát hành và giới hạn thời gian chơi cho giới trẻ. Điều này làm náo loạn ngành công nghiệp và làm mất hàng tỷ USD giá trị thị trường của những “ông lớn” trong ngành công nghệ như Tập đoàn trò chơi điện tử Tencent. Nhưng Trung Quốc đang thúc đẩy để nước này dẫn đầu thế giới về công nghệ thế hệ tiếp theo như trí thông minh nhân tạo A.I và xe tự lái. VR cũng được đưa vào nhóm công nghệ được ưa thích và được hưởng lợi từ một loạt chính sách ưu đãi.

Chen Wei, quản lý của khu giải trí Machouse ở Thượng Hải cho biết: VR có khả năng tránh được số phận của các trò chơi điện tử di động ở Trung Quốc. Ông cho biết chi phí chơi game ở khu giải trí tương đối cao, lên tới 70 nhân dân tệ (10 đô la) trở lên cho mỗi 15 phút chơi và để thiết lập hệ thống chơi tại nhà cũng rất đắt đỏ. “Thật khó để gây nghiện trẻ vị thành niên với giá thành như vậy”, ông Chen trao đổi thêm.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp trò chơi VR non trẻ còn thiếu nhiều trò chơi chất lượng cao. Tại Công viên giải trí VR Thượng Hải, phải 3 tháng mới có một trò chơi mới, theo các quan chức ở đó cho biết. Các công ty như Tencent vẫn ngần ngại lao vào lĩnh vực arcade (khu vui chơi điện tử dạng thùng) cho đến khi lĩnh vực này đủ cứng cáp, theo các nhà phân tích giải thích. Nhưng Tencent cùng với các tập đoàn khổng lồ khác của Trung Quốc như Alibaba và Yahoo lại đang đầu tư vào mua sắm trực tuyến ảo và giải trí VR, tất cả đều có thể sẽ đi sâu đến phát triển game.

Theo một báo cáo của Trung Quốc, đã có nhiều thị trấn và thành phố ở nước này tuyên bố trở thành khu vực ươm tạo, tích hợp VR vào nghiên cứu, sản xuất, GD và các lĩnh vực khác, thu hút vốn đầu tư.

Seekers VR, công ty có trụ sở tại thành phố Ôn Châu, sở hữu chuỗi arcade ở hơn 200 địa điểm tại hơn 70 thành phố trên khắp Trung Quốc, đang hợp tác với chính quyền Ôn Châu để thành lập một trường ĐH tập trung vào việc GD HS thông qua VR và sử dụng công nghệ trong các bài học. “Hiện không có đối thủ cạnh tranh trong ngành VR vì nó còn quá non nớt và chúng tôi sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn nữa”, Giám đốc điều hành của Seekers VR, ông Belle Chen, cho biết.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ