Có nên bảo tồn gene bò tót lai F1?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, hiện có khoảng 100 con bò tót sống trong vườn quốc gia ở Ninh Thuận. Đây mới chính là nguồn gene cần bảo tồn chứ không phải là những chú bò tót F1 được lai tạo.

Đàn bò tót nuôi nhốt “thiếu đói” tại Ninh Thuận.
Đàn bò tót nuôi nhốt “thiếu đói” tại Ninh Thuận.

Bò tót lai có từ đâu?

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, đầu năm 2013, Sở KH&CN 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa đã thống nhất mua lại 10 con bò tót lai F1 của người dân.

Đồng thời tạo vùng chăn nuôi với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 trong dòng và giữa bò tót F1 và bò nhà. Sau đó, phía KH&CN Khánh Hòa rút khỏi dự án.

Tới đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt kiểm nghiệm cho kết quả 10 con bò tót F1 mua từ người dân đều có cặp NST là 2n=58 (bò nhà có cặp NST là 2n=60, bò tót rừng có cặp NST là 2n=56) nên có thể khẳng định chắc chắn bò F1 là “hậu duệ” của bò tót rừng.

Cuối năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý thành lập đề tài cấp Nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”. Tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ này là 3,2 tỷ đồng.

Trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 2,5 tỷ đồng. Kinh phí ngân sách sự nghiệp khoa học địa phương là 700 triệu đồng (Lâm Đồng – 350 triệu đồng; Ninh Thuận 350 triệu đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng bắt đầu từ 10/2015.

Sau hơn 3 năm thực hiện đề tài (gia hạn kéo dài thêm 9 tháng so với quy định), ngày 27/8/2019, PGS.TS Lê Xuân Thám đã có báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhiệm vụ không có sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao. Không có danh mục sản phẩm khoa học đã được ứng dụng.

Bộ KH&CN đánh giá, đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” vào tháng 6/2019 có kết quả “Đạt”.

Cứu đàn bò tót để lưu trữ nguồn gene?

Về sự việc đàn bò tót lai F1 bị bỏ đói ở Ninh Thuận, ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, để cứu lấy đàn bò tót lai (F1) đang bị suy dinh dưỡng tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận), Sở NN-PTNN và Sở KHCN Ninh Thuận đã họp bàn giải pháp.

Trước mắt, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ tạm ứng kinh phí để vỗ béo lại đàn, chăm sóc y tế cho chúng. Sau đó sẽ bàn bạc lại với những đơn vị liên quan để có kế hoạch lâu dài.

Theo tài liệu của Vườn quốc gia Phước Bình, khoảng năm 2008 đến 2012, tại vườn xuất hiện một con bò tót đực (tên khoa học Bos gaurus), thường xuyên xuống nương rẫy của dân để giao phối với bò cái nhà. Kết quả cho ra đời hơn 20 con bê con mang dáng dấp của “bò tót cha”.

TS Nguyễn Quế Côi, Viện Chăn nuôi cho biết, cách đây chục năm chính ông đã tham gia xét duyệt đề tài để thử nghiệm xem khi lai giữa bò tót và bò nhà thì chất lượng của F1 sẽ như thế nào. Đáng lẽ sau khi lai F1 thì phải tiếp tục thực hiện thêm nhiều đợt lai khác với số lượng cá thể phải tăng lên đến hàng nghìn con thì mới có giá trị khoa học.

Đáng tiếc là mới chỉ nghiên cứu xong thế hệ F1 thì dừng lại. Những con bò F1 này gần như không có giá trị gì về mặt khoa học để đặt vấn đề cần thiết phải chăm sóc, bảo tồn. Cách tốt nhất là giao cho người dân chăm cho chúng béo lên để giết thịt.

Chỉ nên bảo tồn gene của bò tót đang sống

“Nguồn gene quý hiếm của bò tót hiện nay chính là hàng trăm con bò tót rừng thuần chủng đang sống trong rừng quốc gia Phước Bình chứ không phải là những con bò lai này. Bởi gene quý phải là gene đã được thuần chủng qua nhiều đời, chứ không phải gene vừa mới lai tạo. Nguồn gene của những con bò tót thuần chủng cần phải lưu giữ để sau này thực hiện lai tạo ra các giống bò mới”, TS Nguyễn Quê Côi cho hay.

Theo tờ trình của Sở KHCN Lâm Đồng, Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản được bàn giao. Tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen bò tót lai quý hiếm (sau khi hoàn thành công việc bàn giao giữa Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng với Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình). UBND tỉnh Lâm Đồng được quyền khai thác nguồn gen đề tài (10 con bò tót lai F1 (5 đực, 5 cái); 1 bò tót lai F2) để phục vụ nghiên cứu khi có yêu cầu.

Việc cho lai giữa bò tót và bò nhà có tạo ra con giống có chất lượng thịt thơm ngon, khối lượng lớn và tăng trưởng nhanh? Theo TS Nguyễn Quế Côi, điều này cho đến nay chưa thể khẳng định được. Chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng lai tạo của giống bò tót với bò nhà vì hiện nay chúng ta có rất nhiều giống bò có các gene đặc hữu nổi trội, hay các giống bò nhập nội từ lâu cũng có những đặc điểm hình thái gene rất tốt như bò lai Sind, bò Brahman…

“Nhiều người cho rằng phải gìn giữ những con bò tót lai F1 này để lưu trữ nguồn gene quý hiếm là không đúng. Để tìm ra giống bò lai khai thác lâu dài, cho ra các giống có chất lượng tốt, năng suất cao, thì phải tiến hành lai với nhiều giống bò khác nhau rồi mới đánh giá kết luận. Còn nếu chỉ lai với một giống bò nhà ở Ninh Thuận như vậy là không có ý nghĩa”, TS Nguyễn Quế Côi cho hay.

Theo TS Nguyễn Quế Côi, để đánh giá về nguồn gene của bò tót thì phải tiến hành lai qua nhiều thế hệ với số lượng quần thể rất lớn thì mới tạo ra nguồn gene tạm ổn định để so sánh với các giống bò khác.

Hơn nữa, giống bò nhà bản địa của Việt Nam dù nhỏ, nhưng chất lượng thịt cao, phù hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên, sống gần gũi với người, dễ chăm sóc. Với giống bò rừng thì cần phải tính toán kỹ khi lai tạo và nhân nuôi trên diện rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ