(GD&TĐ) - Những chia sẻ thú vị của hai nhà báo quốc tế khiến buổi giao lưu tại tòa soạn báo Giáo dục và Thời đại kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến.
Nhà báo Jean Marc Fleur chia sẻ về những nội dung khoa học trong báo chí tại tòa soạn Báo Giáo duc và Thời đại |
Sáng 28/9, đại diện Liên đoàn Báo chí khoa học thế giới gồm hai nhà báo: Jean-Marc Fleury – Cố vấn cao cấp của Liên đoàn và Yoon Kim - Giám đốc dự án đào tạo khu vực châu Á đã đến thăm, giao lưu với các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Giáo dục và Thời đại.
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, hai nhà báo quốc tế và các phóng viên, biên tập viên báo Giáo dục và Thời đại đã say sưa trao đổi về nội dung khoa học công nghệ trong báo chí và khẳng định, thông qua báo chí, khoa học có thể trở thành “món ăn” vô cùng hấp dẫn, bổ ích, cần thiết với mọi độc giả.
“Nhờ cung cấp những thông tin khoa học, đặc biệt là thông tin liên quan đến thực phẩm – tất nhiên là dưới dạng kiến thức kinh nghiệm, không giáo điều mà trang web của một nhà hàng đã trở nên vô cùng nổi tiếng và thu hút rất nhiều người đọc ở Hàn Quốc” – nhà báo Yoon Kim dẫn ra một ví dụ.
Khẳng định dù ở quốc gia nào, phát triển hay đang phát triển thì vẫn có một mẫu số chung nhu cầu tri thức, nhà báo Jean-Marc Fleury cho rằng: Báo Giáo dục và Thời đại nên tích hợp thêm những kiến thức về khoa học để có thể trở thành “giáo án phụ” cho giáo viên, là nguồn cung cấp tri thức khoa học cho học sinh và cả phụ huynh - những đối tượng độc giả “đích”.
Nhà báo chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo GD&TĐ |
Trước thực tế, báo chí có nội dung khoa học của Việt Nam chưa “hút” người đọc, theo nhà báo Jean-Marc Fleury, nên đặt câu hỏi: Phóng viên đã viết đúng và hay chưa? Đồng thời cho rằng, để viết nội dung khoa học hấp dẫn, cần có cách để người đọc dễ dàng “tiêu hóa” kiến thức đó, có thể bằng dùng biểu đồ, dùng ảnh, và đặc biệt là phải biết đánh vào tình cảm của người đọc…
Đặc biệt, với những “tin đồn”, dù đây thường là những tin hấp dẫn nhưng nhiều khi không chính xác, nên việc đưa tin cần cẩn trọng, tránh đưa thông tin một chiều mà nên đặt ra câu hỏi khiến độc giả hoài nghi.
“Những câu chuyện gây tò mò đó sẽ là cái cớ rất tốt để từ đó đưa ra những câu chuyện khoa học nghiêm túc” - Nhà báo Jean-Marc Fleury nhấn mạnh.
Giải đáp nhiều câu hỏi của cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Giáo dục và Thời đại, hai nhà báo của Liên đoàn báo chí quốc tế cũng được nghe những chia sẻ chân tình từ Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam về đối tượng bạn đọc và mục tiêu chung của Báo, cũng như một số công việc Báo đã, đang và sẽ làm để ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả.
Hiếu Nguyễn