Quy trình 15 giây
Anh Lê Mai Tùng cho biết, lợi dụng sơ hở của người dùng, kẻ gian có thể phá khóa, lấy xe chỉ trong vài giây. Tại các cửa hàng kinh doanh, cơ quan hay trường học, luôn phải bố trí lượng nhân viên trông xe rất lớn, gây tốn kém mà tình trạng mất xe vẫn diễn ra. Giải bài toán này, anh nghiên cứu loại khóa chống trộm xe máy mà kẻ gian không thể mở.
Nhận bằng tiến sĩ khoa học máy tính ở Australia, anh Lê Mai Tùng về nước phát triển nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Năm 2018, công ty của anh là đơn vị đi đầu trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Thời điểm ấy, anh nhận được một đặt hàng làm một hệ thống khóa xe để không cần bảo vệ vẫn có thể trông giữ được xe của khách hàng. Theo yêu cầu thì sản phẩm phải bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm, tức là ngoài hệ thống nhận diện khuôn mặt, cần có một hệ thống cơ điện tử phục vụ việc khóa bánh cũng như hệ thống camera phục vụ việc ghi hình, chụp lại khuôn mặt để nhận diện.
“Tôi không nhớ mình đã mất ngủ bao nhiêu đêm cho sản phẩm này bởi điểm xuất phát của tôi là người phần mềm, không có kiến thức về cơ khí điện tử nên vừa làm vừa mày mò”, anh Tùng nhớ lại. Anh đã phải mua hàng chục các loại bánh xe khác nhau và tiến hành thiết kế chiếc khóa sao cho vừa khớp.
Phải làm thế nào để khi người dùng đi xe vào phần khung chữ V và tiến hành quét khuôn mặt, hệ thống thanh lật, khóa càng hoạt động khớp với nhau giữ không cho bánh xe di chuyển.
Anh chia sẻ, phát triển phần cơ điện tử là khó nhất. Bởi chiếc khóa phải phù hợp với tất cả các thiết kế bánh xe, dù là xe số hay xe ga, xe bánh lớn hay bánh nhỏ. Nếu như xe số bánh lớn, nan hoa nhỏ, khóa dễ dàng hoạt động thì xe ga như xe Lead (Honda) bánh rất nhỏ và đi kèm cả đĩa phanh, nếu không cẩn thận có thể làm hỏng phần đĩa phanh của xe.
Cùng với quá trình thiết kế phần cứng, anh Tùng và cộng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa lại thuật toán “nhận dạng khuôn mặt” họ đã có trong tay từ trước. Nếu như trước đây, thuật toán và dữ liệu chỉ phục vụ việc nhận diện gương mặt trong các điều kiện ánh sáng tốt thì lần này, việc để máy ngoài trời khiến việc nhận diện trở nên khó khăn hơn.
Do phần xung quanh khuôn mặt có lúc ngược sáng nên bị đen, nên kẻ gian có thể sử dụng ảnh in trên bìa hoặc trên điện thoại, máy tính bảng để nhận diện và mở khóa dễ dàng. Nhóm phải thay đổi thuật toán nhận dạng cũng như bổ sung dữ liệu về dữ liệu thật và dữ liệu giả.
Tại các cửa hàng có lắp đặt hệ thống này, khách hàng chỉ cần đi xe máy thẳng vào khung của hệ thống khóa, sau đó gạt tay kích hoạt hệ thống nhận diện khuôn mặt. Ngay lúc đó, ở phía dưới, cần gạt ở hai bên từ từ khép lại, kẹp chặt phần nan hoa của bánh trước xe, kết hợp với thanh lật tạo thành một vòng khép kín giữ lấy bánh xe. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong vỏn vẹn 15 giây, kể từ khi khách hàng đến.
Thay thế nhân viên lễ tân
“Hệ thống này rất hữu ích tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, quán café nhỏ… có khách hàng ra vào thường xuyên. Cái được nhất là từ đây, EyeQ Tech đã phát triển được thêm một hệ thống khác gần tương tự cho các khách sạn để khách hàng check in nhận phòng”, anh Lê Mai Tùng nhà sáng lập và CEO EyeQ Tech cho biết.
Tới tháng 4/2019, sau hai phiên bản chưa hoàn thiện, phiên bản thứ ba đáp ứng được các yêu cầu của phía đặt hàng chính thức được ra mắt. Khi khách hàng đi vào bộ khung khóa bánh và lấy tay quét ngang phần cảm ứng để kích hoạt, hệ thống sẽ nhận diện khuôn mặt và tiến hành khóa bánh.
Nếu có người cố tình di chuyển hoặc không đúng khuôn mặt, hệ thống phát chuông cảnh báo kèm theo đèn nháy đỏ. Khi nhận diện đúng khuôn mặt, hệ thống hiển thị đèn nháy xanh và mở khóa.
“Đáng tiếc sau khi sản phẩm hoàn thành vào năm 2019, phía đối tác đổi chủ và họ quyết định không tiếp tục đầu tư. Nguyên nhân khác là do giá thành sản phẩm quá cao, dù chúng tôi cũng đã nghĩ tới chiến lược tối ưu để giảm giá”, anh Lê Mai Tùng cho biết.
Dù sản phẩm không ra được thị trường như kì vọng nhưng anh Lê Mai Tùng không cảm thấy tiếc nuối. Trong khởi nghiệp, nhu cầu của thị trường thay đổi rất nhanh. “Điều quan trọng sau một sản phẩm phải xếp xó là chúng tôi học được gì. Thành tựu của EyeQ Tech là có được một bằng sáng chế, có kinh nghiệm trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ”, anh Tùng chia sẻ.
Từ những hiểu biết và kinh nghiệm, EyeQ Tech phát triển và trình làng sản phẩm Kiosk – phục vụ quá trình check in tại khách sạn, nhà nghỉ. Theo đó, khách hàng khi đặt phòng tại nhà nghỉ, sẽ mang giấy tờ tùy thân tới máy để check in nhận phòng cùng thẻ từ mà không cần nhân viên lễ tân. Đến nay, Kiosk đã có mặt tại nhiều khách sạn từ Nam ra Bắc.
Cũng nhờ những hiểu biết về hệ thống khóa xe bằng cách nhận diện khuôn mặt, EyeQ Tech khi phát triển Kiosk đã rút ra được kinh nghiệm để xây dựng chiến lược bảo dưỡng phần cứng. Theo anh Tùng, đây là việc vô cùng quan trọng. Nếu như phần mềm có thể sửa lỗi từ xa thì phần cứng, các nhân viên phải đến tận nơi.
Tất nhiên, không thể có chuyện đi vài chục hoặc vài trăm cây số để kiểm tra hệ thống trục trặc chỗ nào mà từ sớm nhân viên đã phải “nghe triệu chứng đoán bệnh” để chuẩn bị hệ thống thiết bị thay thế từ sớm. Theo anh, điều này phải có kinh nghiệm chứ không phải chuyện một sớm một chiều.
Anh Tùng chia sẻ, các nhà đầu tư đánh giá rất cao bằng sáng chế phần cứng. Nếu có sớm, chúng tôi sẽ gọi được vốn nhiều hơn và có tiền đầu tư để tối ưu sản phẩm và giảm giá thiết bị xuống. Khi ấy, thị trường dễ mua hơn và chúng tôi có cơ hội để phát triển sản phẩm này”, anh Lê Mai Tùng bày tỏ.