Kho xưởng làng nghề sai phép: 'Mồi ngon' của 'bà hỏa'

GD&TĐ -Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xảy ra hỏa hoạn tại các khu nhà xưởng. Đặc biệt, nhiều công trình nhà xưởng ở ngoại thành Hà Nội không chỉ xây dựng vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, mà còn mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy...

Cháy nhà xưởng vi phạm quy định phòng cháy tại huyện Gia Lâm chiều 22/8.
Cháy nhà xưởng vi phạm quy định phòng cháy tại huyện Gia Lâm chiều 22/8.

Cháy nhà xưởng vi phạm

Ngày 23/8, đại diện lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy chiều 22/8 tại kho nhà xưởng thuộc Công ty Cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc.

Trước đó, khoảng gần 15 giờ ngày 22/8, Trung tâm Thông tin Chỉ huy 114 Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy kho tại Công ty Cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc có địa chỉ tại ngõ 145, đường Đình Xuyên, thôn Tế Xuyên (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm).

Ngay khi nhận được tin báo, Trung tâm Thông tin Chỉ huy Công an thành phố đã điều động 11 xe chỉ huy và chữa cháy, xe xi téc của các đơn vị: Công an huyện Gia Lâm, Công an quận Long Biên và Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) khu vực số 1, số 3 (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH) cùng 60 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường triển khai chữa cháy.

Cơ sở xảy ra cháy là Công ty Cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc với tổng diện tích khoảng 32.000 m2. Khu vực xảy ra cháy có diện tích khoảng 900 m2 do Công ty TNHH Thương mại Anh Phong Phát thuê của Công ty Cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc làm kho, xưởng sản xuất hàng hóa gỗ ép, vật liệu cách âm.

Do chất cháy chủ yếu là gỗ, ván ép, vật liệu cách âm… nên đám cháy phát sinh nhiều khói, khí độc gây ảnh hưởng đến việc chữa cháy và tổ chức CHCH.

Tìm hiểu của PV, chủ cơ sở đã cho Công ty TNHH Thương mại Anh Phong Phát thuê, thay đổi công năng các hạng mục công trình nhưng không thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Hiện, cơ sở đã bị Công an huyện Gia Lâm ban hành Quyết định tạm đình chỉ hoạt động số 96 (ngày 4/7/2022) và Quyết định đình chỉ hoạt động số 101 (ngày 6/8/2022).

Sau thời gian nỗ lực chữa cháy, đến khoảng 16 giờ cùng ngày, đám cháy đã được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH khống chế, không để ngọn lửa cháy lan sang các khu vực lân cận.

Trước tình trạng này, thời gian qua chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục triệt để các vi phạm đất đai, xây dựng.

Thế nhưng, câu chuyện tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất bị chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Dư luận đặt dấu hỏi trước việc hàng loạt công trình xây dựng trái phép mọc lên và thậm chí thản nhiên hoạt động, nhưng không thấy chính quyền buộc dừng thi công, xử phạt, hoặc có biện pháp xử lý, cưỡng chế.

Tìm hiểu của PV tại huyện Thạch Thất, chỉ tính riêng xã Hữu Bằng tình trạng vi phạm nhà xưởng, kho sản xuất trên đất công, đất nông nghiệp diễn ra tràn lan. Đặc biệt, dù phát hiện vi phạm nhiều năm qua nhưng những tồn tại này đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn tái diễn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) - cho biết, toàn xã hiện có khoảng 3.000 nhà xưởng và hộ gia đình sản xuất kinh doanh làng nghề liên quan đến đồ gỗ.

Thừa nhận có nhà xưởng và công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho biết, đó là tồn tại cũ và không có phát sinh mới. “Nếu có phát sinh mới về xây dựng vi phạm, xã sẽ xử lý ngay...”, ông Nguyễn Hữu Trường nhấn mạnh.

Theo ông Trường, xã đã thống kê và báo cáo đến Sở Tài nguyên và Môi trường các trường hợp vi phạm. “Theo rà soát và kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, xã có khoảng gần 400 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp và hơn 500 trường hợp vi phạm đất công. Các trường hợp này vi phạm trước ngày 1/7/2014...”, ông Trường thông tin.

Nhà xưởng vi phạm xây dựng tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Nhà xưởng vi phạm xây dựng tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Sống chung với cháy nổ “rình rập”

Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cũng cho biết, việc công trình nhà xưởng vi phạm đã được UBND xã báo cáo UBND huyện Thạch Thất và thành phố Hà Nội để xin ý kiến, hợp thức hóa một số khu vực không vào quy hoạch và vi phạm trước 1/7/2014 để cấp giấy chứng nhận.

“Các vi phạm tồn tại dưới dạng nhà, xưởng. Nếu là nhà, các trường hợp nhà dột nát, xuống cấp thì người ta sửa chữa. Đa số các trường hợp vi phạm là xưởng. Trong 6 tháng đầu năm phát sinh 4 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý...”, ông Trường lý giải về tình trạng vi phạm.

Về giải pháp quản lý đất đai, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho biết, với các nhà xưởng vi phạm, xã có hướng xử lý cụ thể. “Xã báo cáo các trường hợp vi phạm cho huyện, huyện báo cáo thành phố để xin chỉ đạo, nếu phù hợp quy hoạch sẽ hợp thức hóa, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển. Những trường hợp không phù hợp quy hoạch thì phải xử lý, cưỡng chế...”, ông Trường cho hay.

Trước vi phạm xây dựng tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), dư luận lo ngại về nguy cơ “mất bò mới lo làm chuồng” về cháy nổ tại đây. Nói về trách nhiệm để tồn tại hàng loạt vi phạm nêu trên, ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng - xác nhận, trên địa bàn có nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp và những công trình này đến nay chưa được chuyển đổi mục đích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản 218 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Trong đó, UBND thành phố cũng yêu cầu, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác quản lý trật tự xây dựng, nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

“Xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm đê điều, thủy lợi...”, văn bản thành phố nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ