"Khó phạt tiền cha mẹ khi bắt con nhịn ăn, làm nhiều việc nhà"

Dù ủng hộ quy định xử phạt cha mẹ khi bạo hành với con, các chuyên gia cho rằng việc bắt họ nộp tiền triệu khó khả thi.

"Khó phạt tiền cha mẹ khi bắt con nhịn ăn, làm nhiều việc nhà"

Chính phủ vừa công bố Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó quy định mức phạt với các hành vi bạo lực với trẻ. Cụ thể, bố mẹ bắt con nhịn ăn, uống, chửi mắng... có thể bị phạt tới 10-15 triệu đồng. Nếu bắt trẻ làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi... người chăm sóc có thể phải nộp 3-5 triệu đồng.

Trước dự thảo này, nhiều người cho rằng việc xử phạt là cần thiết, vừa để bảo vệ trẻ em, vừa cảnh cáo bố mẹ. Tuy vậy, không ít người lo ngại quy định này thiếu tính thực tế, nhất là với các gia đình ở thôn quê kinh tế khó khăn, phải để con làm việc, và khi việc dạy con bằng lời nói ít hiệu quả.

Cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em Đặng Hoa Nam. Ảnh: Lao động & Xã hội.

Cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em Đặng Hoa Nam.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ lao động thương binh và xã hội - đơn vị xây dựng Dự thảo này - cho biết, dự thảo nhằm cụ thể hóa Luật trẻ em 2016 về các hành vi gây tổn hại tới trẻ, nhưng chưa tới mức bị xử lý hình sự.  

"Căn cứ xử phạt cha mẹ là nằm ở hậu quả gây ra cho trẻ, chứ không phải thời gian hay số lần bắt trẻ nhịn ăn, làm việc nặng...", ông Nam lý giải trước các thắc mắc dựa vào cái gì để xử phạt hành vi của cha mẹ.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc phạt các hành vi xảy ra trong gia đình là thách thức lớn, khi nhiều người Việt vẫn quan niệm "chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau" và cha mẹ có toàn quyền với con cái. 

Ngoài ra, "người dân vẫn e ngại hoặc chưa thấy mình phải có trách nhiệm tố cáo hành vi ngược đãi trẻ em, thậm chí không biết phải thông báo cho ai, hoặc sợ tố giác sẽ liên lụy...", ông Nam nhận định. 

Thực tế, các quy định xử phạt này đã có từ năm 2013 nhưng tới nay Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em mới ghi nhận cực ít số cha mẹ ngược đãi con bị phạt tiền. "Đa số các ca khi được phát hiện thì đều là rất nghiêm trọng, tới mức phải bị xử lý về mặt hình sự", ông nói.

Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga. Ảnh: MT.

Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga.

Bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội), cho rằng, các quy định xử phạt cha mẹ có ý nghĩa trong việc bảo vệ trẻ em nhưng còn chung chung.

Theo bà, khi đưa ra các hình thức phạt, nhà quản lý cần tính đến tác động của nó  và đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu cho cả trẻ lẫn gia đình. Nếu cha mẹ vì quá nghèo khó, nhận thức chưa cao mà trẻ bị bỏ đói, phải làm việc nhiều, thì việc phạt tiền có khi lại phản tác dụng. 

Chuyên gia tâm lý cho rằng, song song với việc phạt, nên tuyên truyền để bố mẹ biết được quyền và trách nhiệm của mình với con. "Thực tế nhiều bố mẹ Việt hiện vẫn dạy con theo truyền thống, không biết mình có hay không quyền làm gì với con", bà Nga nói. 

Chuyên gia cho biết, ở nhiều nước phương Tây như Đức, Anh... cha mẹ gây bạo hành có thể bị tước quyền nuôi con trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn. Nhưng đi kèm với đó là cả hệ thống hỗ trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ và bảo vệ trẻ. 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, các quy định xử phạt này có ích nhưng khó khả thi. "Bố mẹ là người trực tiếp nuôi trẻ nên nếu họ có hành vi sai trái thì cũng chỉ người rất gần gũi mới biết được, trừ phi có hậu quả nghiêm trọng và bị phát giác", ông nói. 

Cả luật sư Anh Thơm, nhà tâm lý Linh Nga cũng như ông Nguyễn Hoa Nam đều cho rằng, quy định xử phạt có tác dụng ren đe, giáo dục phụ huynh nhưng tính khả thi không cao. Thực tế cho thấy, đa số tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra ở các gia đình kinh tế khó khăn, vì thế việc phạt tiền rất khó.

"Chúng ta có thể học tập một số biện pháp khác ở các nước tiên tiến như: Cha mẹ bị buộc lao động công ích, tham gia các lớp học về pháp luật, về kỹ năng và kiến thức giáo dục, chăm sóc con...", ông đề xuất.

Ông Nam cho rằng, để các quy định này hoàn thiện và phát huy hiệu quả, người dân cần tích cực tham gia góp ý chính thức trên website của Bộ lao động hay các cơ quan truyền thông.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ