Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới tác động của dịch Corona, 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đều dưới 6,8%. Cụ thể, giả định dịch Covid-19 được khống chế trong quý I hoặc quý II thì tăng trưởng GDP lần lượt ước tính đạt 6,27% và 6,09% so với năm 2019.
Trong đó, quý I được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh nhất, với mức tăng trưởng chỉ đạt 3,8%, giảm gần một nửa so với mục tiêu 6,52%. Chỉ số CPI bình quân năm 2020 trong 2 kịch bản trên lần lượt là 3,96% và 4,86%. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bao gồm du lịch, xuất khẩu nông thủy sản và nhập khẩu nhóm mặt hàng tư liệu sản xuất.
Còn tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Chính phủ đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; các doanh nghiệp cần cố gắng “chuyển nguy thành cơ” để vượt giai đoạn khó khăn trước mắt, không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Chính phủ hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, nhưng không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. Thay vào đó, chúng ta chọn giải pháp khó hơn là vừa bảo đảm an toàn vừa duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách; tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế...
Đã có ý kiến cho rằng, trong khoảng hơn 20 ngành kinh tế được niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ có 4 ngành ít chịu ảnh hưởng, thậm chí có ảnh hưởng tích cực là dược, điện, nước sạch và công nghệ thông tin. 10 ngành chịu ảnh hưởng trung bình và 9 ngành bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Và thực tế là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, các doanh nghiệp vận tải, du lịch; các ngành sản xuất, chế tạo, gia công bị ảnh hưởng, tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn là thế, còn cơ hội ở đâu? Đó có thể là thời điểm tốt để nhìn lại và thấy rõ các điểm yếu của nền kinh tế. Là sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, từ đó xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn...
Về lý thuyết có thể là thế. Còn trong thực tế, để làm được không hề dễ dàng. Cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống từ các cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng. Và quan trọng hơn là phải đúng thực chất, không nửa vời mới có thể có được nền kinh tế theo hướng sản xuất thông minh, bền vững, hiệu quả.