Khó khả thi chuyện bán hàng rong qua mạng

GD&TĐ - Việc chính quyền địa phương trong cả nước lập lại trật tự vỉa hè dù đúng nhưng lại khiến những người bán hàng rong rơi vào cảnh thất nghiệp. Để hợp lòng dân, một số nơi nghĩ ra nhiều cách giúp người dân ổn định cuộc sống, trong đó có chuyện bán hàng qua mạng.

Khó khả thi chuyện bán hàng rong qua mạng

Vừa qua, UBND quận 1 (TPHCM) lập trang Facebook để người bán hàng rong đăng sản phẩm, số điện thoại lên đó và khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ để giải quyết việc làm cho người buôn bán vỉa hè bị giải tỏa, trả lại vỉa hè thông thoáng. Lãnh đạo quận 1 nhận định khách hàng có nhu cầu sẽ đặt hàng qua điện thoại. Cách làm này không chỉ giải quyết được việc làm cho người buôn bán mà còn giúp những lao động nhàn rỗi có thêm công việc giao hàng. Điểm tích cực nữa là không tốn mặt bằng, bảo đảm an toàn thực phẩm mà lại giải quyết được bài toán về trật tự đô thị.

Tuy nhiên, sự việc không dễ dàng như thế. Ai cũng biết, bán hàng qua mạng thì phải am hiểu một chút về Internet, mạng xã hội. Nếu chủ nhân một gian hàng trên mạng là người trẻ thì không nói, đằng này người già (phần đông) mới là điều đáng bàn. Ở độ tuổi ngũ tuần trở lên, lại là người ít quan tâm đến công nghệ thì họ khó mà buôn bán trên mạng được. Họ biết sử dụng điện thoại di động phổ thông với chức năng nghe gọi là điều đáng mừng rồi, nói gì đến chuyện truy cập Internet để lướt web, trao đổi hàng hóa. Ông cụ, bà lão, vốn dĩ thích cái cũ, khó thích nghi với thói quen hiện đại, làm sao mà thay đổi?

Mặt khác, việc thay đổi không gian buôn bán từ thật qua ảo phải tốn thời gian, tiền của. Phải sắm điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng... để truy cập mạng, khoảng 3 triệu đồng. Nếu giao hàng mà không có xe gắn máy thì phải sắm một chiếc xe đạp. Phải nhờ đến người thân hướng dẫn cách mua bán trên thế giới ảo, nhanh trí nhất cũng phải 2 - 3 ngày mới tạm rành rọt.

Điều quan trọng nhất vẫn là khách hàng. Hiện nay có rất nhiều trang web, mạng xã hội mua bán cạnh tranh khốc liệt. Mặt hàng là những món giá trị, thu hút giới trẻ. Trong khi người bán hàng rong, chỉ với gánh quà vặt, không lẽ khách mua 1 kg khoai (tầm 30.000 đồng), 2 kg ổi (tầm 20.000 đồng) cũng phải đi giao hàng? Những người buôn gánh bán bưng bỏ công làm lời là chính, giờ giao hàng mất thời gian, thêm người phụ giúp, tốn một ít tiền xăng thì còn gì lời? Một số cư dân mạng bình luận vui: Có lẽ Việt Nam là quốc gia đầu tiên đưa hàng rong lên mạng.

Cần khẳng định, việc chính quyền địa phương lấy lại vỉa hè là chủ trương đúng đắn. Hay nghĩ ra cách giúp người dân có công ăn việc làm cũng hợp tình hợp lý, đậm tính nhân văn. Tuy nhiên, ý tưởng cần phải thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, phong cách sống của người dân nghèo mới không trở thành tác dụng ngược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.