Kho báu gò mộ Silla

GD&TĐ - Với người Hàn Quốc, thời Silla (57 TCN – 935) vẫn còn hiển hiện ở hệ thống gò mộ cùng tên nằm trong 'thành phố vàng' Gyeongju.

Một cụm gò mộ Silla ở Kyungju, Gyeongju. Ảnh: Thecollector.com
Một cụm gò mộ Silla ở Kyungju, Gyeongju. Ảnh: Thecollector.com

Những ngôi mộ to lớn và được bảo vệ vẹn toàn này không chỉ tiết lộ cấu trúc xã hội, mà còn cho thấy tín ngưỡng, giao thương và cả tay nghề thủ công địa phương điêu luyện.

Gò mộ tự chìm

Suốt thời Silla, bán đảo Triều Tiên tồn tại thế chân vạc với Goguryeo chiếm phía Bắc, Paekje chiếm phía Tây Nam và Silla chiếm phía Đông Nam. Cả 3 đều bằng mọi cách thiết lập quyền lực, mưu đồ bá chủ nên chiến tranh, kết đồng minh và phản bội xảy ra liên miên không khác gì thời kỳ phân liệt trong lịch sử Trung Quốc với 3 nước Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô. Chính vì thế, thời Silla cũng có biệt danh là Tam quốc.

Mặc dù đối chọi nhau truyền kiếp nhưng giữa các quốc gia của Tam quốc Hàn Quốc lại có rất nhiều điểm chung. Họ giống nhau từ cấu trúc quyền lực đến ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… Cuối cùng, vào năm 668, Silla chinh phục được cả Goguryeo lẫn Paekje, thống nhất đất nước.

Với quyền lực tập trung, Silla bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất. Cũng kể từ lúc này, hoàng gia và quý tộc đua nhau thực hiện các nghi lễ chôn cất xa hoa. Họ lấy chính Kinh đô Geumsong (ngày nay là Gyeongju) làm nơi an nghỉ, xây dựng những gò mộ kỳ vĩ.

Kích thước mỗi gò mộ Silla vô cùng ấn tượng, thường có đường kính từ 40 – 70m, vật liệu là đá, gỗ và đất sét. Cấu trúc gò mộ Silla thường gồm 3 lớp, lớp trong cùng bằng gỗ, lớp giữa bằng đất sét và ngoài cùng là đất, đá. Trong 3 lớp này, lớp đất sét ở giữa đóng vai trò ngăn chặn các tác nhân gây ảnh hưởng từ bên ngoài.

Nhờ bao trọn lớp gỗ và trọng lượng nặng, nó khiến cho ngôi mộ ngày càng chìm sâu xuống. Trải qua thời gian, các gò mộ Silla càng lúc càng cách xa mặt đất và vì vậy an toàn khỏi tay những kẻ trộm mộ.

kho-bau-go-mo-silla-2.jpg
Vương miện Silla chỉ dành cho người cai trị đã khuất. Ảnh: Thecollector.com

Kho báu giá trị

Năm 1921, người ta khai quật gò mộ Silla đầu tiên là gò Geumgwanchong. Mặc dù được xây dựng trước thời kỳ thống nhất, nó vẫn có đường kính 45m và chiều cao 12m, bên trong chất đầy cổ vật bằng đồng, vàng, bạc, tổng cộng hơn 40 nghìn món. Cũng trong gò Geumgwanchong, người ta tìm thấy vương miện bằng vàng lớn nhất, xếp vào vị trí Bảo vật Quốc gia Hàn Quốc số 87.

Khắp Gyeongju, đâu đâu cũng có gò mộ Silla. Các gò lớn là mộ hoàng gia còn các gò nhỏ hơn là mộ quý tộc. Ngoài hài cốt, bên trong tất cả các gò mộ còn chứa rất nhiều cổ vật, đặc biệt là nhiều cổ vật bằng vàng. Chính vì thế, Gyeongju mới lừng danh “thành phố vàng”.

Sự say mê đối với vàng của thời Silla có lẽ bắt nguồn từ Trung Quốc. Ban đầu, toàn bộ vàng được nhập khẩu từ đây, sau đó mới đến khai thác vàng lẫn trong cát từ các con sông chảy qua kinh đô. Trên phương diện chế tác, vàng là vật liệu dễ gia công. Nhờ có thể tán mỏng, se sợi tùy ý, nó được các thợ thủ công ưa thích, khéo léo biến thành nhiều món đồ tinh xảo, xinh đẹp.

Vương miện bằng vàng được tìm thấy trong gò mộ Silla cực kỳ mỏng, đến mức bản thân chiếc vương miệng không đủ cứng cáp để đội. Người ta nghi ngờ, nó được chế tác riêng cho mục đích làm táng vật.

Tại sao vương miện bằng vàng chỉ dùng trong chôn cất, các học giả cho rằng là vì mối quan hệ giữa người cai trị và pháp sư. Thời Silla, pháp sư thống trị đời sống tâm linh và thao túng cả hoàng gia. Người cai trị có lẽ đã không được đội vương miện vàng khi còn sống mà chỉ khi chết mới được gắn lên đầu như vật công nhận và thể hiện quyền lực ở thế giới bên kia.

Thú vị là trong thời Silla, quyền thừa kế được trao cho cả con trai lẫn con gái. Xã hội này hoạt động theo hệ thống đẳng cấp và sự đẳng cấp do huyết thống quyết định. Nó đúng với câu: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” của người Việt Nam, xếp hạng con người theo dòng tộc hơn là giới tính. Vì thế, ngay cả phụ nữ cũng có quyền làm vua và vị nữ hoàng nổi tiếng nhất của thời đại này là Nữ hoàng Jinseong (865 – 898).

kho-bau-go-mo-silla-3.jpg
Hoa tai Silla đặc biệt lộng lẫy và là táng vật phổ biến. Ảnh: Thecollector.com

Loại cổ vật phổ biến nhất trong các gò mộ Silla là hoa tai bằng vàng. Chúng có nhiều kiểu dáng nhưng chung quy có thể phân thành 2 loại, loại có tâm to và loại có tâm nhỏ. Hầu hết các hoa tai đều tinh xảo, đẹp đẽ, được trang trí thêm bằng kim tuyến, hình trạm trổ…

Ngoài ra, các gò mộ Silla còn chứa rất nhiều trang sức lộng lẫy khác như vòng, thắt lưng, nhẫn… và cả vũ khí (kiếm, cung tên, áo giáp…), đồ gốm. Bên cạnh chất liệu bằng vàng còn có chất liệu bằng đá quý, gỗ hiếm, thủy tinh…

Đặc biệt, rất nhiều táng vật trong gò mộ Silla là mặt hàng thủ công mỹ nghệ của nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí là các nơi xa xôi hơn nữa. Trong hơn 40 nghìn hiện vật của gò

Geumgwanchong, có tới 20 nghìn hạt màu xanh lam xuất xứ từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy giao thương vô cùng phát triển. Cá nhân Nữ hoàng Jinseong thì vô cùng chú trọng phát triển thương mại song phương với nhà Đường (618 – 907) của Trung Quốc.

Khoảng giữa thế kỷ VI, Phật giáo du nhập vào vương quốc Silla. Tục lệ địa táng dần bị thay thế bằng hỏa táng nhưng những gò mộ Silla nhờ biết tự chìm mà an toàn qua thời thế, biến động lịch sử, nội chiến… và vững vàng đến nay.

Theo thecollector

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các loại xe hạng nặng như xe tải và xe buýt điện sẽ tăng trưởng đáng kể.

Xu hướng về công nghệ khí hậu

GD&TĐ - Khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu leo thang, các giải pháp công nghệ đang nổi lên nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất về môi trường.

Paris Hilton và ngôi nhà bị hỏa hoạn.

Tổ ấm của loạt sao Hollywood bị lửa thiêu rụi

GD&TĐ - Trên trang cá nhân, nhiều ngôi sao liên tục chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ sự tiếc nuối, xót xa khi tổ ấm của họ bị thiêu rụi sau thảm họa cháy rừng bùng phát tại Los Angeles (Mỹ) vào ngày 7/1.

Các khách hàng quốc tế làm việc với Công ty TNHH May mặc Dony để đặt đơn hàng. Ảnh: Q.H

Doanh nghiệp 'đầy ắp' đơn hàng

GD&TĐ - Ngay sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam đã nhận được các tín hiệu tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu.

Nguyễn Khánh Bảo Thúy Vy. Ảnh: NVCC

'Sao tháng Giêng' truyền cảm hứng

GD&TĐ - Phạm Nguyễn Như Quỳnh - nghiên cứu sinh ngành Hóa học tại Trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận Giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm 2024.