Khinh hạm tàng hình A-400 siêu hiện đại chính thức lộ diện

GD&TĐ - Công ty TKMS của Đức đã trình làng mẫu khinh hạm MEKO A-400 AMD thế hệ mới, tập trung giải quyết các nhiệm vụ phòng không.

Khinh hạm tàng hình A-400 siêu hiện đại chính thức lộ diện

Tạp chí Naval News đưa tin, dự án được Hải quân Đức đề xuất nhằm thay thế các khinh hạm F124 (lớp Sachsen) sẽ phải ngừng hoạt động vào giữa thập niên 2030.

Hải quân Đức dự định đưa vào hoạt động khinh hạm tàng hình đầu tiên thuộc thế hệ mới (lớp F127) vào năm 2034. Hiện tại một cuộc đấu thầu tương ứng đang được tổ chức, trong đó sẽ xác định nhà thầu cung cấp 6 chiến hạm như vậy.

Đầu tháng 9, Công ty TKMS đã thành lập liên doanh với Lürssen (NVL) để tham gia cuộc thi này với dự án MEKO A-400 AMD. Theo tuyên bố từ đại diện TKMS, việc đóng khinh hạm đầu tiên có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025.

MEKO A-400 AMD có lượng giãn nước 10.000 tấn, được phát triển trên nền tảng hệ thống chiến đấu AEGIS, hỗ trợ sử dụng radar AN/SPY của Mỹ với ăng ten mảng pha chủ động (AESA). Với kích thước nói trên, đây thực chất là một khu trục hạm phòng không.

scr55ee55nshot-2.jpg
Mô hình chiến hạm MEKO A-400 AMD của Hải quân Đức.

Thiết kế cung cấp hai cụm phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng Mk 41 với cơ số đạn 64 quả. Đối với Đức, loại đạn chính trang bị cho bệ phóng Mk 41 sẽ là tên lửa phòng không tầm xa SM-2 và SM-6 để giải quyết nhiệm vụ phòng thủ chống tên lửa.

Bên cạnh đó, tổ hợp ESSM được lắp đặt sẽ cung cấp khả năng phòng không trong bán kính trung bình. Kho vũ khí tên lửa sẽ được hoàn thiện bằng 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 và 8 tên lửa chống hạm NSM.

Vũ khí pháo binh bao gồm pháo chính 127 mm do Tập đoàn Leonardo của Ý sản xuất, đi kèm một số tổ hợp pháo bắn nhanh cỡ 30 mm và 20 mm. Nhà chứa máy bay ở đuôi tàu được thiết kế cho 2 trực thăng hạng trung NH-90.

Ngoài ra nhà phát triển còn lắp đặt trên tàu 2 bộ phát laser của Rheinmetall, được thiết kế để tiêu diệt UAV và các mục tiêu bề mặt kích thước nhỏ.

Các chuyên gia cho rằng tàu khu trục của Hải quân Đức sẽ được trang bị hai turbine khí, cho phép đạt tốc độ lên tới 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.000 hải lý, thời gian làm việc liên tục trên biển 30 ngày.

Tên lửa phòng không SM-6 được phóng từ tàu chiến ven bờ USS Savannah (LCS-28) của Hải quân Mỹ.
Theo Naval News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ