Thời gian gần đây, khi ĐBSCL bước vào mùa lũ thì rắn lục đuôi đỏ xuất hiện rất nhiều, liên tục cắn người. Đặc biệt, loài rắn này ẩn nấp trong bụi rậm và trú ngụ sát nhà người dân ở các khu dân cư vượt lũ.
Rắn xuất hiện mọi nơi
Nhiều người dân ngụ ở khu dân cư vượt lũ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, người dân ở khu vực này đã bắt được mấy chục con rắn, đa phần là rắn lục đuôi đỏ. Ngoài ra, số người bị rắn tấn công cũng đáng kể, hầu như ngày nào cũng có người bị rắn cắn.
Người dân dễ dàng bắt gặp loài rắn này ở quanh nhà. Ảnh: DƯƠNG CẦM
Ông Tô Thành Tâm (ngụ tại tổ 2, khu vực 2, phường Trà Nóc), một nạn nhân vừa bị rắn cắn, kể: “Lúc trước, không hề thấy rắn xuất hiện ở khu vực này nhưng cả tháng nay, thường xuyên có rắn lục đuôi đỏ.
Tôi đang phát hoang cỏ vườn thì bất ngờ bị một con rắn lục phóng ra cắn vào tay. Rất vất vả tôi mới kịp chạy đến bệnh viện”.
Bà Nguyễn Thị Mai, hàng xóm của ông Tâm, cũng từng bị loài rắn này cắn. Cách đây nửa tháng, bà Mai nghe tiếng chó sủa liền ra trước nhà xem thử. Nào ngờ vừa đến hè thì một con rắn lục cắn ngay vào chân.
Bà Mai nhanh trí đập chết con rắn, bỏ nó vào chai rồi tức tốc đến bệnh viện trong tình trạng lên cơn sốt, tim đập nhanh, khó thở, sưng phù cả bàn chân. Cũng may là bà Mai đến bệnh viện kịp thời, được các bác sĩ chữa trị.
Tại các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy và TP Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang, những ngày gần đây, người dân thường xuyên phát hiện rắn lục ngoài ruộng, vườn, thậm chí là trong nhà.
Có trường hợp một con rắn tấn công cả hai vợ chồng phải nhập viện cấp cứu. Ông Nguyễn Văn Hơn (ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ) kể: “Cách đây 1 tháng, tôi đi làm cỏ ngoài vườn cam, không may đạp phải con rắn lục nên bị nó cắn. Tôi vội đập chết nó rồi nặn nọc độc ra. Nghe lời mọi người, tôi vội đến bệnh viện cấp cứu”.
Nên phát hoang bụi rậm
Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Quân y 121 TP Cần Thơ, nhận định: Hiện nay, trung bình mỗi tuần, khoa tiếp nhận từ 5-6 trường hợp bị rắn cắn, ít có rắn hổ mà đa số là rắn lục đuôi đỏ.
Người bị rắn lục đuôi đỏ cắn sẽ bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, đau nhức, phù nề nặng. Nhiều trường hợp bị nôn ói, xuất huyết ở mũi, miệng, lỗ chân lông. Rắn lục đuôi đỏ tuy không phải là loại rắn cực độc nhưng nếu không cứu chữa kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi đó, theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, từ tháng 7-2014 đến nay, trường hợp nhập viện vì rắn cắn tăng đột biến với 21 ca, trong đó thủ phạm chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ.
Trước tình trạng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang cũng đã vào cuộc. Khi lấy mẫu rắn đem về xét nghiệm, một cán bộ chi cục này cho biết đây là loài rắn lục mép trắng, sinh sống phổ biến ở Việt Nam.
Hiện nay, do người dân đang cải tạo vườn tạp, không còn nơi cho rắn sinh sản, trú ngụ nên chúng mới bò vào những nơi có cỏ rậm rạp hoặc vào nhà cắn người. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, ĐBSCL đang bước vào mùa mưa lũ, đây là điều kiện thuận lợi để rắn sinh sôi.
Người dân nên phát hoang bụi rậm, giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ để hạn chế rắn có nơi ẩn nấp và môi trường để phát triển. Khi làm vườn, người dân nên mang ủng, bao tay. Nếu lỡ bị rắn cắn thì phải gấp rút làm garo phía trên vết thương 10 cm và nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu.
Tưởng là đồ chơi
Nhiều người dân cho biết loài rắn này toàn thân có màu xanh lục, đuôi ửng đỏ. Trẻ em thường bị thu hút bởi màu sắc này và lầm tưởng là đồ chơi nên rất nguy hiểm.
Ông Lê Văn Xã, ngụ phường Trà Nóc, cho biết chỉ trong chưa đến 2 tuần qua, đã bắt được 5 con rắn lục đuôi đỏ ở quanh nhà.
Ông Xã kể: “Một lần con trai nhỏ của tôi đang chơi trước sân nhưng cứ đứng với lên cành cây bên hiên. Tôi bước ra thì cháu bập bẹ nói lấy giùm đồ chơi. Nhìn lên cành cây, tôi hốt hoảng khi thấy một con rắn lục xanh lè”.