Khi vai gầy làm trụ cột

Ngày nay, có những gia đình lại nổi lên nữ tướng quyền uy chẳng kém, quyết định tất cả mọi việc trong nhà, đến mức không coi ý kiến chồng con vào đâu cả. Liệu đó có phải là những gia đình hạnh phúc?

Khi vai gầy làm trụ cột

Chồng chẳng ra chồng

Sáng, trong khu tập thể một trường đại học ở Hà Nội, người ta thấy một ông giáo tóc muối tiêu, nhỏ con, gầy gò, dắt chiếc xe máy ra cổng cho vợ đi làm. Bà vợ ăn mặc sang trọng, oai vệ ngồi lên xe, nổ máy. Trước khi vọt đi, bà quay lại dặn ông chồng đang đứng tần ngần bên cạnh:

- Chốc nữa bọn thợ đến sửa bếp, ông bảo nó làm đúng những gì tôi dặn, nhớ chưa? Nếu phát sinh chuyện gì, ông gọi cho tôi, đừng có tự ý thay đổi, không là chúng nó nhiễu sự đấy!

Thấy ông chồng đứng lặng như cố ghi nhớ từng lời, bà toan đi thì cô con gái út chạy ra:

- Mẹ ơi, thế hôm nay con đi học lớp guitar hay học lớp organ ở nhà văn hóa?

Bà nói như quát: “Organ! Tối qua vừa nói xong lại hỏi”.

Cô con gái phụng phịu: “Nhưng bố bảo con gái nên học guitar hơn”. “Dào ơi! Bố mày thì biết gì!”.

Ông chồng ngượng, đảo mắt nhìn quanh xem hàng xóm có ai nghe thấy rồi lẳng lặng vào nhà, khe khẽ khép cửa lại. Thật ra với gia đình ông, cảnh này thường như cơm bữa ấy mà!

Những câu chuyện tương tự không chỉ diễn ra ở một gia đình mà cả dãy độ chục nhà, khoảng mấy năm trở lại đây, đã xuất hiện đến bốn, năm nữ tướng đầy quyền uy như vậy. Những bà vợ đó mỗi người một vẻ, nhưng đều giống nhau ở một điểm: họ là những phụ nữ làm ra tiền, đúng hơn là làm ra nhiều tiền.

Có bà cai quản cả một xưởng in tư nhân hàng mấy chục thợ, có vụ Tết lãi hàng trăm triệu. Có bà kinh doanh vật liệu xây dựng ở phố Cát Linh, doanh thu tiền tỷ. Có bà là giám đốc một công ty lớn, đi nước ngoài như đi chợ. 

Trong khi đó, tất cả các ông chồng của họ đều “lép vế”, ngoài lương ba cọc ba đồng, có dạy thêm cũng chẳng được bao nhiêu, nên khi cần quyết định công to, việc lớn trong nhà, xem chừng tiếng nói của các ông thiếu “trọng lượng”. 

Ví dụ, trong nhà cần lắp thêm cái điều hòa nhiệt độ? Ông gật đầu bảo “có” nhưng ông không có tiền thì lắp làm sao. Giả sử ông bảo “chưa cần thiết” nhưng bà cứ quyết, tiền chi ra, chỉ một cú “phôn” có người mang máy đến tận nhà, chả nhẽ cấm người ta lắp? 

Phải chăng câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đang phát huy tác dụng và trong gia đình thời kinh tế thị trường, người nào làm chủ về kinh tế, cũng sẽ làm chủ cả gia đình?

Một số nghiên cứu về đời sống gia đình hiện đại cho thấy, dù ở bất cứ xã hội nào, người đàn ông vẫn thích hợp hơn phụ nữ trong vai trò chèo lái con thuyền gia đình. Do đặc điểm giới tính, đàn ông nói chung thường có ý chí mạnh mẽ hơn, cứng rắn và kiên quyết hơn. 

Điều này không phải bây giờ mới thấy mà trải qua hàng triệu năm tiến hóa, người đàn ông luôn phải đương đầu với những hiểm nguy trong quá trình săn bắt, chiến đấu để nuôi sống, bảo vệ gia đình, họ hình thành những tố chất mà phụ nữ không phải ai cũng có. 

Trái lại, người phụ nữ nói chung dịu dàng, kiên nhẫn và vững vàng hơn về tâm lý nên có nhiều ưu thế hơn trong quán xuyến gia đình, nuôi con. Gia đình nào có sự kết hợp hài hòa hai tố chất khác nhau của nam và nữ thường hạnh phúc hơn. 

Trái lại, một người đàn ông có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán lại chung sống với một phụ nữ cũng có tính cách như mình, khác nào “tướng ông” gặp “tướng bà”, gia đình khó hòa thuận.

Đàn bà không muốn làm nữ tướng

Nhà nghiên cứu tâm lý người Mỹ, John Gray cho rằng, “đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim”, khác nhau rất nhiều. Các nghiên cứu về não bộ hai giới gần đây cũng xác nhận điều đó. Nếu một người đàn ông không làm được vai trò đứng mũi chịu sào của gia đình mà đẩy vai trò đó sang cho vợ thì dần dần anh ta sẽ cảm thấy yếu đuối, sinh ra chán nản và có thể rơi vào tâm trạng buồn phiền. 

Có lẽ đa số chị em cũng không muốn mình có người chồng như vậy. Một cuộc thăm dò ý kiến của tạp chí Elle của Pháp cho thấy, 92% phụ nữ muốn đàn ông phải đúng là đàn ông trong gia đình, khi cần thiết họ phải đưa ra ý kiến quyết định. 

Một độc giả của tạp chí này nói: “Không gì ngán ngẩm bằng sống với một người đàn ông thiếu quyết đoán, một người không có ý kiến riêng và hầu như không can dự vào bất cứ chuyện gì”. 

Một nữ giáo sư còn khẳng định: “Tôi không phân vân gì khi “phong” cho chồng chức chủ gia đình vì anh ấy thích hợp với điều đó hơn tôi. Tôi cảm thấy an toàn hơn vì luôn có một chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời và không bao giờ có ý định tranh giành “chức” ấy về mình”.

Một nhà xã hội học đặt vấn đề: khi phụ nữ làm chủ gia đình, họ được gì và mất gì? Và kết luận, họ sẽ được các thành viên tôn trọng hơn, có quyền uy hơn, nói một câu chồng con nghe răm rắp. Nhưng, cái mà họ mất là gì? 

Đó là vẻ dịu dàng, hiền hậu của người vợ, người mẹ. Liệu người chồng có còn cảm thấy người vợ “bé bỏng”, cần phải nâng niu, chiều chuộng không? Liệu có lúc nào trên giường, anh ta cảm thấy đang nằm cạnh một “gã đàn ông” không? 

Và liệu anh ta có lẳng lặng đi tìm ở đâu đó cái “chất phụ nữ” mà anh ta luôn cảm thấy thiếu không? Nếu tiến hành một cuộc phỏng vấn, tôi tin, hiếm phụ nữ muốn đóng vai nữ tướng trong nhà. 

Một đôi vợ chồng nọ cãi nhau chỉ vì anh chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” hơn cả đàn bà, bất ngờ chị vợ tức quá la lên: “Hai con đàn bà ở với nhau không thể nào sống được”! Hóa ra, đàn bà có mấy ai thích làm nữ tướng, chẳng qua đàn ông không ra đàn ông nên họ đành phải tiếm quyền. Nếu không, gặp lúc sóng to gió cả, con thuyền gia đình biết trông cậy vào ai?

Nhưng thực tế cũng cho thấy, có những ông chồng vốn không phải “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, nhưng vì sống bên người vợ tính cách quá mạnh mẽ, anh ta mất dần tư thế trước con cái, họ hàng, anh em, và thế là anh ta nhường luôn quyền điều khiển gia đình cho vợ cho yên chuyện.

Nên chăng, dù khi người đàn ông không đóng vai trò chính về kinh tế hay địa vị xã hội không bằng vợ, người phụ nữ hãy vẫn đề cao vai trò chủ gia đình của chồng mình. Họ cần tỏ ra tôn trọng ý kiến của chồng, tranh thủ sự đồng tình của chồng. 

Điều đó sẽ làm cho người chồng luôn cảm thấy mình là đàn ông và anh ta sẽ cư xử như một người đàn ông. Anh ta sẽ có uy tín với con cái và chỉ có như thế mới giáo dục được con, trong nhà mới trên thuận dưới hòa và gia đình nhà chồng mới hài lòng với người con dâu biết đường ăn, nết ở. 

Ngày nay, mở quyển sổ hộ khẩu ra, hầu hết gia đình đều ghi ông chồng làm chủ hộ, nhưng không ít trường hợp đó chỉ là cái danh hão. Chúng ta đấu tranh cho bình đẳng nam nữ nhưng có lẽ không ai mong muốn biến đàn ông thành đàn bà và ngược lại. 

Tạo hóa sinh ra có nam có nữ, có âm có dương, những gia đình hạnh phúc chính là kết hợp được hai đặc điểm giới tính để phát huy được ưu thế đặc trưng của mỗi giới.

Theo phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ