Khi trẻ nói lời khó nghe

Khi trẻ nói lời khó nghe

(GD&TĐ) - Môi trường tốt sẽ giúp trẻ hình thành nhiều tính cách tốt mai sau, trong đó phải kể lời ăn tiếng nói của trẻ. Bé cần học hỏi từ người lớn những lời nói lễ phép thay vì sự dung tục. Dù ở thời đại nào, câu nói của ông bà “Học ăn, học nói” dường như chưa bao giờ lỗi thời. Hãy là người bạn tốt giúp bé thực hiện điều tốt, bé sẽ xem bạn là thần tượng của mình chứ chẳng phải ai khác. 

Buồn lắm những lời nói tục: Chị Thủy hốt hoảng gọi điện cho cô bạn thân để nhờ tư vấn sau khi biết bé con đang học lớp chồi của mình “nói tiếng Đức” mấy đứa bạn hàng xóm: “Mẹ mày, không chơi nữa thì cút xéo!”. Chưa hết, bé còn lớn tiếng mắng ra rả bằng những từ khủng khiếp hơn khi gặp chuyện không vừa ý, chẳng hạn như con búp bê không thể ngồi ngay ngắn, mấy cây chì màu bị gãy… Chị Thủy trút hết nỗi lòng với bạn sau một tuần lễ tìm hiểu nguồn căn. Hóa ra bé nhà chị học được những từ này chẳng phải đâu xa, mà từ chị ô sin trong nhà. Chị ô sin tuy không còn trẻ, nhưng có lối ăn nói bỗ bã… kinh người. Chỉ cần nghe qua cách chị ấy mắng mấy đứa trẻ hàng xóm chơi chung, khi có chuyện trước mặt bé con với đủ loại ngôn từ, cũng đủ hiểu đâu đuôi ngọn ngành. Bé con nhà chị Thủy lại lúng liếng hay nói nên… không nhiễm mới lạ.

Đồng cảnh ngộ có chị Huyền Chi, vừa đến trường đón con chị gặp ngay đứa bạn ngồi chung bàn với con trai của mình báo cáo: “Cô ơi, bạn Tuấn chơi với con toàn nói tục không à! Bạn ấy nói chuyện ghê quá!” làm chị giật mình. Hỏi ngay thì cu cậu chối phắt đâu dám nhận. “Mới con nít con nôi, đọc chữ chưa rành cũng đặt bày nói năng lung tung. Thôi để về nhà sẽ hạ hồi phân giải”. Chị nghĩ thầm. Rồi chị tự kiểm điểm bản thân, chưa bao giờ mình nói chuyện với con bằng những lời lẽ…táo bạo, mà bé của chị lại hư quá đi mất. Đúng là gần đây, có mấy lần chị đưa bé về quê thăm mấy người bà con. Khi nghe mấy đứa nhỏ cùng xóm nói chuyện hết mày tao, dùng tiếng “đệm” rất khó nghe, mấy người lớn quanh năm suốt tháng chỉ biết cày sâu cuốc bẵm nhưng lại nói năng…rất táo bạo, nhất là khi họ chén chú chén anh bên bàn nhậu. Bé con nhà chị cứ lân la hết chỗ này đến chỗ khác nên cũng “học đòi” nói theo. Có lần, bé lại còn hỏi chị:”Con nghe mấy anh mấy chú dưới quê cũng nói giống con. Bộ người lớn mới được nói hay sao mẹ?”.

Trẻ con như búp trên cành, ngây thơ đến tội nghiệp. Trẻ cứ nghe và thấy là lạ sẽ bắt chước y chang, chứ nào phân biệt được đúng sai. Cứ nghe người lớn nói, trẻ cho là đúng và cũng làm theo nhưng chẳng hiểu gì cả. Tâm hồn của trẻ trong sáng, vốn chỉ biết nói những lời dễ thương và ngây ngô nhưng khi tiếp cận với môi trường xấu trẻ tiếp thu ngay, bất kể từ ai. Lại có những trẻ sống ở những khu vực có nhiều đối tượng nói năng thoải mái, chẳng biết kiêng nể một ai nên thói xấu cũng hình thành từ đó. Nghe thật đau lòng, nhưng cũng khó trách vì đôi khi ngay cả cha mẹ của trẻ cũng đang thi nhau nói tục trong các sòng bài hoặc hội “ăn không ngồi rồi” khắp con hẻm. 

Khi trẻ nói lời khó nghe ảnh 1
 

Đừng tiếp tay với trẻ: Thật tai hại khi bạn vô tình tiếp tay để trẻ ngày càng lộng hành hơn. Bé Ni, con chị Phương Anh đang học cấp một, được ba mẹ yêu chiều hết mực. Bé có làm gì sai trái đều được ba mẹ bênh vực, mà chẳng phân biệt đúng hay sai. Khi nghe ông bà ngọai của bé phản ánh tình hình xuất ngôn thiếu nghiêm túc của bé, họ luôn tìm mọi cách để che đậy thói xấu của con. Nhất là chị Phương, chị cứ nghĩ ông bà khó tính nên cứ đổ oan cho bé. Cũng từ đó, bé Ni tha hồ nói mà không bị ai ngăn cấm.

Ở công ty thời trang nọ, chị Thanh Mai được mệnh danh là “tổng đài”. Đề tài chị thường hưng phấn kể nhất là “cu Tí nhà em”. Bé của chị Thanh gần tròn bốn tuổi và hiếu động. Một ngày đầu tuần, chị bước vào phòng làm việc như cơn gió và triệu tập ngay chị em trong phòng lại hồ hởi kể: “Hôm qua, thằng cu nhà em biết nói ‘Tổ cha mày’ với ba nó mới ghê chứ!”. Theo lời kể, bé nhà chị học được vào dịp vợ chồng chị đưa con đến nhà ông cậu. Nghe ông cậu mắng yêu cháu nên con chị cũng nói rập khuôn với ba mẹ của bé. Rồi chị Thanh bình luận thêm: “Thằng cu nhà em lớn lên chút nữa nhớ dai phải biết!”.

“Bệnh” càng nặng càng khó chữa, và dĩ nhiên bệnh càng để lâu lại càng sinh thêm rắc rối. Nếu bạn biết uốn nắn trẻ ngay từ lúc còn trong trứng nước hẳn kết cục sẽ tốt hơn. Đối diện với những sự cố này, nếu bạn không phát hiện kịp thời và có cách điều trị đúng, trẻ sẽ ngày càng phát huy sở trường ngoài ý muốn này. Lúc đầu, trẻ sẽ nói một mình, nói với bạn bè và từ đó, nói với cả người lớn.

“Chữa bệnh” cho trẻ: Vì bộ nhớ chỉ là giấy trắng nên việc bé tiếp thu một cách tự nhiên tất cả những sự việc, ngôn ngữ trẻ nghe và thấy xung quanh mình cũng là điều dễ hiểu. Trẻ phát ngôn bừa bãi cũng do phần muốn chứng tỏ với bạn “Con lớn rồi mẹ nhé!” và tại sao lại cấm cản trẻ “nói chuyện giống như người lớn”. Thoạt đầu, bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng và bối rối nhưng suy cho cùng, hãy cứ bình tĩnh để tìm đối sách, mọi chuyện sẽ vào nề nếp ngay thôi. Bạn cũng ráng kiên nhẫn khi đưa trẻ trở về quĩ đạo của riêng mình, vì trẻ con dạy đó nhưng lại quên ngay. Chỉ điều gì lặp đi lặp lại thì trẻ mới nhớ lâu. Nếu trẻ có lỡ miệng, bạn cũng đừng trách phạt hoặc đánh đòn bé tội nghiệp. Thay vào đó, bạn cứ kiên trì nhắc đi nhắc lại với bé: “Nếu con còn nói tục, ba mẹ sẽ không thương con”, “Nói tục xấu lắm, không có bạn nào muốn chơi với con nữa”, hoặc “Cô giáo sẽ phạt nặng nếu con còn nói tục”… Còn nếu như bạn cứ làm ngơ để trẻ nói tục, hậu quả sẽ không nhỏ vì trẻ sẽ trở nên chai lì, thậm chí khó bảo sau này khi lớn thêm chút nữa. Đừng vô tình “nối giáo cho giặc”, để đến khi trẻ cứ đụng đâu nói đó, bạn sẽ hết thuốc chữa. Nếu trẻ cứ tiếp tục sai phạm, bạn có thể tùy theo độ tuổi mà có cách xử phạt thích hợp. Nếu trẻ còn nhỏ, bạn chọn cách không cho trẻ đến công viên chơi thú nhún, không cho xem phim bộ hoạt hình trẻ thích, trẻ lớn hơn có thể chọn cách không cho trẻ mua cuốn truyện trẻ thường vòi vĩnh bạn hoặc không cho trẻ cùng bạn đi siêu thị vào ngày chủ nhật…

Thùy Như

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ