Từ mùa Đông lạnh giá ở Nga, cho đến những cơn bão dữ dội ngoài biển Nhật Bản, thời tiết là một đối thủ đáng gờm bên cạnh quân đội và hải quân trong các cuộc xung đột quân sự.
Thần phong đánh bại quân Mông Cổ
Vào thế kỷ thứ 13, đế quốc Mông Cổ, dưới sự lãnh đạo của Hốt Tất Liệt, đã tìm cách mở rộng sự thống trị trên khắp thế giới. Một trong những nỗ lực đầy tham vọng này là chinh phục Nhật Bản, vùng đất được coi là cửa ngõ cho những cuộc chinh phục tiếp theo.
Cuộc xâm lược Nhật Bản đầu tiên của người Mông Cổ diễn ra vào năm 1274, họ huy động một hạm đội hùng mạnh gồm khoảng 900 con tàu tiến thẳng đến quần đảo. Nhưng khi đến bờ biển Kyushu, đội quân xâm lược phải đối mặt với một cơn bão dữ dội, được gọi là “Kamikaze” hay “Thần phong” trong văn hóa dân gian Nhật Bản.
Với sức tàn phá khủng khiếp, bão đã phân tán các tàu Mông Cổ và gây thương vong nặng nề cho thủy thủ đoàn. Ước tính có khoảng 13.000 người chết đuối và gần 1/3 số tàu bị chìm, lực lượng xâm lược buộc phải rút lui.
Không nản lòng trước thất bại này, quân Mông Cổ tiến hành cuộc xâm lược Nhật Bản lần thứ hai vào năm 1281, với một hạm đội thậm chí còn lớn hơn - gồm 4.400 tàu và 140.000 binh lính. Trước đó, người Nhật đã xây dựng một bức tường chắn trên các bờ biển để phòng bị các cuộc tấn công trong tương lai.
Điều này khiến quân Mông Cổ không thể tìm được bãi đổ bộ thích hợp, buộc hạm đội phải neo đậu ngoài khơi trong nhiều tháng. Sau một thời gian phơi mình trước các yếu tố thời tiết, hạm đội Mông Cổ lại bị một cơn bão lớn ập đến đánh chìm hàng trăm tàu, khiến hàng nghìn người chết đuối, hơn 70.000 người được cho là đã bị bắt. Từ đó, đế quốc Mông Cổ không bao giờ tấn công Nhật Bản nữa.
Bão trừng phạt quân đội Anh
Vào năm 1360, Edward III, vua nước Anh, đã phát động một chiến dịch quân sự chống lại Pháp, một phần của cuộc xung đột được gọi là “Chiến tranh Trăm năm”. Quân Anh tiến về thành phố Paris, khiêu khích quân phòng thủ giao tranh.
Thế nhưng Charles, hoàng thái tử của Pháp quyết định giữ vững thành trì không xuất trận. Tức giận vì điều này, quân đội của Edward đã tàn phá vùng nông thôn xung quanh và hành quân về phía thành phố thánh đường Chartres.
Vào thứ Hai Phục sinh, ngày 13 tháng 4, lực lượng của Anh đã đến cổng Chartres, nhưng lại gặp phải sự phòng thủ kiên cường của Pháp trong các bức tường thành nên phải đóng trại ở vùng đồng bằng trống trải bên ngoài thành phố.
Khi màn đêm buông xuống, bầu trời bắt đầu xám xịt và một cơn giông dữ dội chưa từng có xảy ra. Tiếp theo là một trận mưa đá đổ xuống trại quân Anh. Những hạt mưa đá, có hạt to bằng quả trứng gà, giáng xuống đội quân, xé nát các lều bạt và hủy hoại các đoàn tàu chở hành lý. Không có nơi trú ẩn trong cơn bão, binh lính Anh chịu thương vong nặng nề.
Cho rằng cơn bão là một dấu hiệu thần thánh chống lại những nỗ lực quân sự của mình, Edward III đã quỳ gối cầu nguyện trước Nhà thờ Đức Mẹ Chartres vào đỉnh điểm của cơn bão.
Ba tuần sau, ông ta chấp nhận ký một hiệp ước hòa bình với người Pháp, từ bỏ yêu sách, chấm dứt giai đoạn đầu của Chiến tranh Trăm năm.
Bão tố chặn đứng hạm đội Tây Ban Nha
Vào mùa Hè năm 1588, hạm đội Armada của Tây Ban Nha xuất quân với tham vọng củng cố quyền lực về hải quân và buộc nước Anh phải quy phục. Được chỉ huy bởi Công tước Medina Sidonia lừng danh, đội quân này bao gồm hơn 130 chiếc tàu và gần 20.000 binh sĩ.
Tuy nhiên, khi vào eo biển Anh, nó bị hải quân đối phương đột kích khiến nhiều tàu hư hại nặng. Mặc dù vậy, người Anh không thể xuyên thủng đội hình của Armada và hạm đội cũng đến được Calais trên bờ biển nước Pháp.
Chính tại Calais, hạm đội Anh, dưới sự chỉ huy của Sir Francis Drake và Lãnh chúa Howard, đã phóng hỏa một số tàu Tây Ban Nha, gây ra một làn sóng hoảng loạn bao trùm. Một số tàu đã cắt neo để tránh bốc cháy, toàn bộ hạm đội buộc phải chạy ra biển khơi.
Khi Armada rối loạn đội hình, hải quân Anh bắt đầu một cuộc tấn công khác, được gọi là Trận chiến Gravelines, khiến hạm đội của Tây Ban Nha bị tổn thất nặng nề. Không có nơi neo đậu, Medina Sidonia quyết định rút lui về Tây Ban Nha, nhưng hành trình về lại gặp tai họa. Dòng hải lưu Gulf Stream đã đẩy toàn bộ hạm đội vào Biển Bắc. Ngoài khơi Scotland và Ireland, gió Tây mạnh đã khiến nhiều tàu bị hư hỏng, một số không tìm được nơi trú ẩn, va vào những tảng đá.
Vào thời điểm quay trở lại Tây Ban Nha, tàn quân của Armada đã mất nhiều tàu và binh sĩ vì thời tiết lạnh giá và giông bão hơn là trong trận chiến trực tiếp.
Napoléon chịu thua mùa Đông ở Nga
Đại quân của Napoléon thất bại trước mùa Đông giá lạnh ở Nga. |
Vào mùa Hè năm 1812, Napoléon Bonaparte, vị hoàng đế được cho là bách chiến bách thắng của Pháp, đã tiến hành một trong những chiến dịch quân sự khét tiếng nhất trong lịch sử: Xâm lược nước Nga.
Đại quân của Napoléon bắt đầu một cách thuận lợi, nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, khi mùa Đông ở Nga đến gần, nhiệt độ giảm mạnh và tuyết phủ khắp vùng nông thôn đã gây khó khăn về tiếp tế, hậu cần cho quân đội Pháp.
Thiếu lương thực, thiếu quần áo mùa Đông, dẫn đến bệnh tật lan rộng khiến đại quân hùng mạnh giờ đây trở nên suy yếu và mất tinh thần trước cái lạnh buốt giá cùng sự kháng cự không ngừng nghỉ của người Nga.
Lúc này Napoléon đưa ra quyết định táo bạo: Hành quân nhanh đến Moscow hy vọng buộc Sa hoàng Alexander I phải hàng phục. Tuy nhiên, khi đến thành phố cổ, ông ta nhận thấy nó bị bỏ hoang và chìm trong biển lửa, còn quân Nga thì đã rút lui.
Mùa Đông ngày càng khắc nghiệt, quân đội của Napoléon lúc này bị kẹt sâu trong lãnh thổ của đối phương, buộc phải rút về. Cuộc triệt thoái khỏi Moscow đã trở thành một thử thách gian nan bởi các cuộc tấn công không ngừng của quân Nga, nạn đói và nhiệt độ đóng băng. Cho đến khi đến được nơi an toàn ở biên giới phía Tây, đại quân thiện chiến của Napoléon gần như đã tiêu hao gần hết.