Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Osaka chiều 27/6 để dự G20 và thăm Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong 8 khách mời đặc biệt của nước chủ nhà. Việt Nam sẽ cùng lãnh đạo của các quốc gia phát triển, của một số nền kinh tế đang trỗi dậy, cùng với lãnh đạo các thể chế quốc tế như EU, IMF, WB thảo luận các vấn đề kinh tế thương mại, đầu tư toàn cầu, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế... Trong những lần tham dự G20 trước đây, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến đóng góp trong những vấn đề mà G20 quan tâm.
Sự kiện quan trọng không kém, và được mong chờ từ lâu, là việc Hiệp định Thương mại Tự do với EU cán đích. Các quan chức cấp cao EU sẽ tới Hà Nội cuối tuần này để ký kết Hiệp định này cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư song phương. Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng việc cắt giảm hàng rào thuế quan của EU gần như 100% các dòng thuế trong vòng 7 năm ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gấp đôi 5 năm sau. EVFTA cũng góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023) và tăng khoảng 2% mỗi 5 năm sau đó trong tương lai gần.
Vậy là trong cùng một tuần có hai sự kiện rất lớn và cực kỳ tích cực về đối ngoại với Việt Nam. Việc tham dự G20 một lần nữa cho thấy quan hệ đặc biệt và sự coi trọng mà Nhật Bản dành cho Việt Nam. Nhìn rộng hơn, cả hai sự kiện cho thấy vị thế đang vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong nền kinh tế và chính trị thế giới, sự phát triển của Việt Nam có những tác động nhất định đến sự vận động toàn cầu. Các sự kiện này cũng cho thấy tiến trình hội nhập chủ động tích cực của Việt Nam, đất nước chúng ta sẵn sàng đóng góp cho những vấn đề của thế giới, cho sự phát triển các khu vực trong quá trình toàn cầu hóa.
Nhưng đi cùng với vận hội của đất nước, với những cơ hội mới cũng là những thách thức. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiểu biết của Việt Nam về các hiệp định thương mại cao cấp rất hạn chế. Gần 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như siêu nhỏ của Việt Nam không biết gì về các hiệp định như CPTPP và EVFTA.
Khi không có thông tin, các doanh nghiệp này sẽ khó mà tận dụng có hiệu quả các hiệp định, khó mà đổi mới, cải cách để bắt kịp cuộc cạnh tranh, có chỗ đứng trong thời kỳ mới. Việt Nam cũng sẽ phải nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp các cam kết đã ký, thực thi nghiêm túc luật lệ, thay đổi cách điều hành, quản trị nền kinh tế, nâng cao hơn hiệu quả quản lý Nhà nước...
Một thông tin đáng quan tâm, là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa cảnh báo đích danh Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ, sau những ca ngợi trước đây về quan hệ song phương. Một lần nữa, thách thức lại được nhấn mạnh với Việt Nam trên mặt trận đối ngoại, đòi hỏi phải có những xử lý rất trách nhiệm, toàn diện không chỉ ở cấp cao, mà từ tất cả các bộ ngành liên quan.