Khi tha thứ là sự trả thù cao thượng nhất

Sự thù hận luôn là nguyên nhân dẫn đến những bi kịch đau lòng trong cuộc sống. Cứ vài ngày, chúng ta lại nhận được những tin tức đau lòng như tạt axit tình địch vì ghen tuông, giết hàng xóm sau khi cãi nhau vì con gà, tung clip “nóng” của đồng nghiệp lên mạng để trả thù mâu thuẫn… 

Khi tha thứ là sự trả thù cao thượng nhất
Tất cả những bi kịch ấy đều bắt nguồn từ việc tức giận, buồn bực lâu dần tích tụ thành mối hận thù không được hóa giải. Thực tế đã chứng minh rằng, chỉ có tình thương, lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù.

Khi tha thứ là sự trả thù cao thượng nhất 1

Đỗ Thị Kim Duân - người phụ nữ trong vụ án trả thù tình chấn động đã phải trả giá bằng 12 năm tù giam.

Sự hận thù luôn làm tổn thương cả hai phía

Cách đây vài năm, một vụ án đau lòng diễn ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đó là vụ án thương tâm khi một bé trai mới 40 ngày tuổi bị chiếc kim khâu lốp dài gần 10 cm đâm xuyên thóp chỉ vì những mâu thuẫn của người lớn. Hung thủ được xác định ngay sau đó là Đỗ Thị Kim Duân ở huyện Đông Anh (Hà Nội) – “tình địch” của mẹ cháu bé.
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Duân phát hiện ông chồng trong lúc đi làm ăn xa nhà đã quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác và còn có một đứa con “rơi”.
Theo chị Thanh – mẹ cháu bé, “bà cả” đã nhiều lần điện thoại đe dọa, chửi bới, nhưng sau đó bỗng thay đổi thái độ, hỏi địa chỉ và bảo muốn đến thăm đứa trẻ. Người mẹ không chút nghi ngờ về thái độ “thiện chí” của “bà cả” khi cùng một người phụ nữ nữa đến chơi. Nhưng lợi dụng lúc chị Thanh mải làm cơm đãi khách, Duân đã sát hại đứa trẻ bằng chiếc kim khâu lốp.
Sự việc đau lòng xảy ra, Đỗ Thị Kim Duân đã bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên mức án 12 năm tù về tội “Giết người” vào ngày 16/6/2010. Các con của Duân thì sống trong nỗi tự ti, mặc cảm còn cháu bé bị đâm kim vào đầu vẫn phải vật lộn với những di chứng mà vết thương để lại. Những người trong cuộc và ba bên gia đình cũng đều phải trải qua những ngày tháng vô cùng mệt mỏi, đau khổ.

Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình khi người ta bị lòng hận thù che mắt, không còn phân biết được hành động đúng – sai. Còn có rất nhiều vụ việc đau lòng diễn ra hàng ngày bắt nguồn từ lòng thù hận đã đẩy cả người trả thù và người bị trả thù vào những chuỗi bi kịch thương tâm, thậm chí còn kéo theo cả những người vô tội khác nữa. 

Gần đây nhất là vụ tạt axit vào vợ cũ ở Hà Nội do Lê Văn Dương (thường trú tỉnh Hải Dương) gây ra. Khoảng 6h30 ngày 9/5, khi vợ cũ của Dương đang đứng tại Hoàng Mai, Hà Nội thì bị Dương bất ngờ ập đến, tạt axit vào người. Do kịp thời phản ứng, ôm mặt, quay lưng, chạy vào phòng khi nhìn thấy Dương mang theo ca nhựa nên người phụ nữ này chỉ bị bỏng phần lưng.

Tại cơ quan điều tra, Dương khai rằng, Dương và vợ cũ có với nhau một con gái, do mâu thuẫn không thể hòa giải nên ly hôn. Dù vậy, Dương vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện hẹn gặp vợ cũ vì vẫn còn tình cảm. Vì bị từ chối, tránh mặt nên Dương tức giận nghĩ vợ cũ có người đàn ông khác. Biết vợ cũ lên Hà Nội học ngoại ngữ để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, Dương cho rằng chị này bỏ bê con cái, phẫn uất, ghen tuông nên y đã mua axit để trả thù.
Lời bàn Đại đức Thích Quảng Truyền (Ủy viên HĐTS TW GHPGVN - Phó Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung Ương - Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn)
Khi tha thứ là sự trả thù cao thượng nhất 2

Đại đức Thích Quảng Truyền. Ảnh TG

Lòng hận thù trong mỗi người thực chất xuất phát từ sự vị kỷ, “cái tôi” của bản thân; sự vị kỷ ở một mức độ nào đó sẽ biến thành đố kỵ. Thấy bạn bè học giỏi hơn sẽ ghen tức, thấy hàng xóm xây nhà, có cái ô tô, trong lòng cũng bứt rứt không yên. Về phương diện nào đó, “cái tôi” chính là động lực thúc đẩy sự cố gắng, nghị lực vươn lên của con người nhưng chỉ là khi nó nằm trong ý thức của một người có suy nghĩ lành mạnh, tốt đẹp. Còn nếu ở nằm trong ý thức của một người lười nhác, có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, không đủ bản lĩnh để kiềm chế bản thân thì sẽ biến thành ngọn lửa hận thù. Khi “ngọn lửa” ấy cháy lên, nếu không tự mình “dập tắt” hoặc được người khác “dập tắt” hộ thì sẽ dẫn tới những hành động làm tổn thương bản thân, tổn thương người khác.
Khi người ta sống tốt với nhau thì có thể “chín bỏ làm mười” nhưng khi đã ghét nhau thì một việc nhỏ cũng trở thành oán hận; mà như ông bà ta thường nói rằng: “Thương nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Thường thì khi mặt ta có vết nhọ, ta sẽ không nhìn thấy; nhưng mặt người khác có vết nhọ, ta sẽ nhìn thấy ngay. Có nghĩa là khi không bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, cân nhắc được – mất trước khi hành động thì rất dễ bị lòng thù hận che mờ, dẫn đến những hành động sai lầm.

Những bi kịch thương tâm mà chúng ta vẫn thấy sẽ không xảy ra nếu mỗi người trong cuộc biết kìm chế và giải tỏa sự thù hận của mình. Người phụ nữ khi bị chồng phản bội, đau khổ tích tụ lâu ngày không được giải tỏa đã biến tình yêu thành lòng thù hận cực độ, trở thành ác phụ dã man xuống tay cả với một đứa trẻ vô tội. 

Người đàn ông nghĩ vợ ngoại tình mà không tìm ra chân tướng, không nghe vợ giải thích đã hành động theo suy nghĩ nông cạn là hiếp dâm con gái riêng của vợ để trả thù… 

Nếu nhìn nhận một cách công bằng ta sẽ thấy rằng, người trả được mối thù trong những trường hợp này cũng không sung sướng gì. Họ cũng phải trả giá bằng những ngày tháng dài dằng dặc trong nhà giam, những cắn rứt lương tâm và sự chỉ trích của dư luận xã hội.

Có một câu chuyện thế này: “Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô con gái và chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc chí hô lớn: ta đã trả thù được rồi. 

Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra cho kẻ đã từng hành hạ mình. 

Khi người hành khất đã ăn no rồi, cô gái mới đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: Tôi cũng đã trả được thù rồi”. “Lấy ân trả oán” – đó chính cách trả thù nào cao quý bằng yêu thương và tha thứ mà câu chuyện trên cho chúng ta thấy. Nếu có được lòng bao dung như cô gái kia, ta sẽ không nợ ai điều gì ngoài tình thương mến.


Nhà Phật tâm niệm rằng: “Nếu lấy oán báo oán thì không bao giờ hết oán. Nhưng nếu ân mà báo oán thì oán kia sẽ hết”. Trong mọi trường hợp, chữ “Nhẫn” cực kỳ quan trọng. Nhẫn không phải là nhục, mà là sự nhường nhịn. “Nhân vô thập toàn” – con người không có ai hoàn hảo, ai trong cuộc đời cũng không thể tránh khỏi những sai lầm. Chính vì vậy, sự bao dung, tha thứ là rất cần thiết. Nếu quý trọng nhau, yêu thương nhau thì khi đối phương phạm lỗi, hãy tiếp cận, chia sẻ để hiểu nhau hơn, giải quyết những bất hòa, có thể nho nhỏ mà rất dễ tích tụ thành mối hận lớn sau này.

Để có thể làm được điều này, mỗi người nên tự giải tỏa sự tức giận, buồn bực trong lòng mỗi khi nó đến. Cách giải tỏa tốt nhất là chia sẻ, chia sẻ với người thân, với bạn bè, với những người mà mình tin tưởng; thậm chí, người ngoài cuộc sẽ nghĩ cho bạn những cách giải quyết ôn hòa, hiệu quả mà trong cơn buồn giận bạn không thể nghĩ ra được. Nhưng điều quan trọng nữa là không phải cứ ai thân thiết là ta có thể “dốc bầu tâm sự” được.

Nếu chia sẻ với một người có suy nghĩ ích kỷ, nông cạn, hiếu chiến thì lòng thù hận của ta sẽ càng bị kích động; người có thể giúp ta giải tỏa lòng thù hận phải là người “thiện tri thức”, tức là người có cái nhìn khách quan, nhân ái và thật lòng muốn giúp đỡ ta. 

Hiện nay cũng có rất nhiều các tổng đài, các trung tâm, các chuyên viên tư vấn tâm lý. Đây cũng là những địa chỉ tin cậy để bạn giải quyết những khúc mắc tinh thần trong cuộc sống nếu bên cạnh không có ai. Học cách tĩnh tâm trong các bộ môn Thiền, Yoga… cũng là cách để dễ dàng xóa bỏ phiền muộn trong lòng.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ