Khi nhà trường " bắt tay " doanh nghiệp

GD&TĐ - Xu hướng đào tạo gắn với doanh nghiệp đang được nhiều trường đại học, cao đẳng của Việt Nam áp dụng và coi đây là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhà trường. Thực tế cho thấy, khi nhà trường và doanh nghiệp kết hợp với nhau thì đôi bên đều có lợi.  

Khi nhà trường " bắt tay " doanh nghiệp

Đôi bên cùng có lợi

Là một trong những trường thực hiện tự chủ ở Hà Nội, nhiều năm nay Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội thực hiện chiến lược đào tạo gắn liền với thực tế và đào tạo theo đơn đặt hàng.

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường - dẫn giải: Chẳng hạn khi Tổng cục Dạy nghề hoặc các bộ, ngành, công ty, doanh nghiệp đặt hàng chúng tôi đào tạo bao nhiêu kỹ sư/năm thì nhà trường sẽ đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng đó.

"Đặc biệt, chúng tôi xác định đường đi ngắn nhất để nhà trường phát triển bền vững chính là định hướng của một trường đại học theo hướng ứng dụng, gắn với doanh nghiệp; sinh viên ra trường phải đạt đến độ chuyên nghiệp ở lĩnh vực mình được đào tạo.

Chúng tôi cũng xác định: Chất lượng của sinh viên ra trường có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không cũng chính là tiêu chí, là thước đo để chúng tôi đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường" - tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp trao đổi.

Cũng theo tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp, không chỉ cử sinh viên, học viên đi thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp mà nhiều khóa học, nhà trường đã tổ chức ngay tại các đơn vị đặt hàng là công ty, doang nghiệp. Qua đó người học không những được trải nghiệm thực tế mà còn lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích. Mặt khác, đội ngũ giảng viên có thêm được kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

"Điều này vô cùng ý nghĩa bởi sẽ giúp chúng tôi có thêm dữ liệu cả lý thuyết và thực hành; từ đó quay ngược trở lại để áp dụng trong đào tạo, giúp sinh viên được tiếp cận với rất nhiều những tình huống có thật xảy ra từ trong thực tế sản xuất. Và khi các em được cọ sát với thực tiễn thì các em sẽ trưởng thành hơn, tự tin hơn khi đi làm" - tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ.

Tại Trường Cao đẳng Điện tử - Điện Lạnh Hà Nội, thạc sỹ Phạm Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Hiện nhà trường đã ký kết hợp đồng phối hợp thực tập, tuyển dụng với trên 30 doanh nghiệp, cam kết tiếp nhận sinh viên của trường đến làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, tất cả các chương trình đều có 3 đợt thực tập đối với hệ cao đẳng và 2 đợt đối với hệ trung cấp. Nội dung thực tập gồm: Trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, thực tập chuyên ngành, thực tập tốt nghiệp.

Mỗi đợt thực tập, sinh viên không được tham gia trực tiếp vào công việc mà còn được hưởng mọi chế độ ưu đãi của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng ký kết với nhà trường như: Chế độ ăn, ở, bảo hiểm, xe đưa đón và hưởng lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.

"Vì thế khi "2 nhà": Nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng tham giao vào quá trình đào tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho sinh viên mà còn cho sự phát triển của nhà trường và doanh nghiệp" - thạc sỹ Phạm Tiến Dũng khẳng định.

Dưới góc nhìn của một giảng viên, cô Lê Ngọc Hương - Khoa Kinh tế Trường Đại học Nha Trang - trao đổi: Nhà trường cần có các hoạt động tham vấn, ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu thực tế.

Đây là hoạt động nhiều trường đại học hiện nay đang triển khai có hiệu quả cho cả sinh viên và doanh nghiệp. Có rất nhiều mô hình có thể áp dụng trong trường hợp này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư chi phí để trường đại học tuyển chọn và đào tạo sinh viên theo nhu cầu của từng nhóm lĩnh vực và phối hợp để cùng đào tạo, hướng dẫn thực tế cho sinh viên.

Đồng thời hỗ trợ tối đa cho nhà trường trong việc tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, tham quan thực tế tại doanh nghiệp cho sinh viên và giảng viên, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và làm việc tại doanh nghiệp theo hình thức bán thời gian…

Cuối khóa, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường đánh giá lại các ứng viên và đi đến quyết định tuyển dụng những ứng viên phù hợp. Đến giai đoạn này, các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm về những ứng viên mà mình chọn lựa.

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ít thì các doanh nghiệp trong cùng một ngành có thể phối hợp cùng nhau hoặc có thể nhờ vào sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề.

Hun đúc ý chí cho sinh viên để khởi nghiệp

Tuy nhiên, theo cô Lê Ngọc Hương, để thực hiện được công tác này, ngoài việc tạo ra chương trình học tương đối mở, cơ chế đào tạo linh hoạt, gắn với việc hợp tác với các doanh nghiệp hoặc hiệp hội ngành nghề thì không thể không nhắc đến vai trò của giảng viên.

Giảng viên sẽ là những người trực tiếp hướng dẫn và theo dõi cũng như hỗ trợ nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mục tiêu này. Việc xây dựng bài giảng phù hợp với sinh viên, sắp xếp lịch thực tế, tham quan và làm việc tại doanh nghiệp sẽ do giáo viên đảm nhận.

"Chính vì vậy, việc xây dựng quy chế làm việc hợp lý cho giảng viên cũng cần được các nhà quản lý tính đến sao cho phù hợp. Việc kết hợp giảng dạy theo hình thức trợ giảng hoặc thỉnh giảng của các giám đốc, trưởng phòng ban, bộ phận ở các doanh nghiệp với giảng viên nên được xem là một hoạt động thường xuyên, đặc biệt là đối với những môn học thiên về nghiệp vụ, tác nghiệp hay thực tiễn cao.

Nên chăng có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các giảng viên áp dụng hình thức giảng dạy này để tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tế và đây cũng là điều kiện rất tốt để chính các giảng viên có điều kiện nắm bắt thực tiễn phong phú bên cạnh những kiến thức chuyên sâu của họ" - cô Lê Ngọc Hương đề xuất.

Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay cho thấy, đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của các trường hiện nay. Sự kết hợp này sẽ có lợi cho cả đôi bên. Về phía nhà trường có thêm kinh nghiệm, tư liệu để áp dụng vào quá trình đào tạo, phát triển nhà trường còn phía doanh nghiệp có thêm nguồn nhân lực tham gia vào phát triển sản xuất.

Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục phát triển Nhân lực - cho rằng: Lâu nay, nhiều người vẫn nói sinh viên Việt Nam giỏi lý thuyết nhưng kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp vẫn còn hạn chế.

Do đó sự kết hợp "2 nhà" nêu trên sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên tham gia cùng nhà trường trong việc tạo môi trường khởi nghiệp ngay trong trường...

Còn theo GS.TSKH Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, nếu doanh nghiệp hỗ trợ để sinh viên thâm nhập ngay từ quá trình đi học thì khi ra trường sinh viên tiếp cận nhanh hơn, bớt được thời gian trống hay đào tạo lại. Cái cần nhất của nhà trường và doanh nghiệp là hun đúc ý chí cho sinh viên để khởi nghiệp chứ không phải chỉ cho sinh viên làm cái gì.

"Nhiều doanh nghiệp có nguồn tư liệu, học liệu quý được xây dựng từ thực tiễn sản xuất. Vì thế, nếu kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo thì sinh viên sẽ có cơ hội để tiếp cận với nguồn học liệu này. Như vậy, các em vừa được nghiên cứu lý thuyết, vừa được trải nghiệm thực tế ngay tại cơ sở xuất sản. Điều này sẽ tạo hành trang vững chắc cho các em sau khi ra trường" - Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.