Khi Giáo viên được chọn SGK dạy cho học sinh của mình

GD&TĐ -Tham gia vào quá trình chọn SGK sẽ giúp GV hiểu rõ cấu trúc, triết lý, ưu điểm của SGK, chủ động hơn trong thiết kế bài học, đổi mới phương pháp.

TS. Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi
TS. Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi

Chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) về chủ đề này.

PV: Thưa TS, tại sao nói GV có vai trò quan trọng khi trực tiếp được chọn lựa SGK dạy học cho học sinh của mình?

TS. Nguyễn Thị Phương Lan: Theo tôi, GV khi được chọn SGK cũng là được làm chuyên môn thực sự vì là người trực tiếp giảng dạy, hiểu rõ nhất đối tượng người học, điều kiện giảng dạy tại cơ sở, cũng như yêu cầu đổi mới phương pháp học tập. Vì vậy, việc trao quyền cho GV lựa chọn SGK không chỉ thể hiện sự tôn trọng vai trò chuyên môn của họ mà còn là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Khi được chủ động chọn SGK phù hợp, GV sẽ có thêm động lực, trách nhiệm và sự sáng tạo trong việc tổ chức dạy học, từ đó giúp học sinh tiếp thu hiệu quả hơn, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Cá nhân tôi cho rằng, GV được lựa chọn SGK sẽ tác động tích cực đến quá trình dạy và học. Sự minh bạch và khách quan trong lựa chọn SGK không chỉ là yêu cầu về quản trị, mà còn là nền tảng để đảm bảo công bằng, hiệu quả trong giáo dục. Bởi SGK là công cụ dạy học cốt lõi, quyết định nội dung và phương pháp tổ chức hoạt động học tập.

Việc chọn SGK ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả dạy học của GV cũng như hứng thú và kết quả học tập của học sinh. Sự lựa chọn minh bạch, khách quan sẽ có tác động tích cực đến việc dạy của thầy, việc học của trò và việc quản lý của nhà trường:

Về phía GV, thầy cô được tham gia vào quá trình chọn SGK sẽ giúp họ hiểu rõ cấu trúc, triết lý, ưu điểm của SGK mà mình dạy. Từ đó, GV sẽ chủ động hơn trong thiết kế bài học, đổi mới phương pháp dạy học, có tâm thế làm chủ tài liệu giảng dạy sẽ nâng cao trách nhiệm và chất lượng chuyên môn.

Về phía học sinh, SGK được chọn phù hợp với đặc điểm vùng miền, trình độ nhận thức của học sinh sẽ tăng sự tiếp nhận tự nhiên, hứng thú, phát triển năng lực người học; Hạn chế hiện tượng “dạy lệch – học lệch” do SGK không phù hợp.

Về phía nhà trường và đội ngũ quản lý giáo dục, quy trình chọn SGK minh bạch giúp tạo sự đồng thuận trong tập thể sư phạm, là cơ sở để phân bổ nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng GV hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn tăng tính dân chủ, công khai, tạo dựng niềm tin trong đội ngũ.

PV: Vì sao chúng ta cần nhiều bộ SGK ?

TS. Nguyễn Thị Phương Lan: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88, trong đó khẳng định chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng: “Một chương trình – nhiều bộ SGK ”. Đây không chỉ là một bước ngoặt về tư duy giáo dục, mà còn là sự lựa chọn tất yếu của một nền giáo dục hiện đại, dân chủ và hội nhập.

TS. Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi

Lý giải về vấn đề này vì sao chúng ta cần nhiều bộ SGK, theo tôi là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đảm bảo quyền tự do sáng tạo và tiếp cận tri thức đa chiều chủ trương nhiều bộ sách tạo điều kiện để các tác giả, nhóm tác giả, nhà xuất bản tham gia vào quá trình biên soạn SGK . Điều này giúp đa dạng hóa góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp truyền đạt nội dung giáo dục. Giúp học sinh và GV tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, phù hợp với vùng miền, điều kiện cụ thể, tránh tình trạng "đồng phục hóa" trong giáo dục.

Thứ hai, để giáo dục gần hơn với thực tiễn cuộc sống: Việt Nam là một quốc gia đa dạng về vùng miền, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Một bộ sách duy nhất sẽ khó lòng đáp ứng hết sự đa dạng đó. Nhưng với nhiều bộ sách, GV, nhà trường, và địa phương có thể lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với đặc điểm học sinh của mình, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học. Chúng ta không thể áp một cuốn sách như nhau cho học sinh vùng cao và học sinh thành thị, bởi điều kiện tiếp cận, ngữ cảnh văn hóa, thậm chí là cách tiếp nhận tri thức của các em có thể rất khác nhau.

Thứ ba, để tạo động lực cải tiến và cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục những hạn chế của mô hình "một chương trình – một bộ sách" trước đây: Trước đây, chỉ có một bộ SGK duy nhất nên không tránh khỏi việc áp đặt, cứng nhắc trong dạy học, thiếu sự lựa chọn và khó thích ứng với những đặc điểm riêng của từng địa phương. Nhiều bộ sách sẽ giúp khắc phục tính đơn điệu, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ sách sẽ thúc đẩy sự cải tiến về nội dung, phương pháp, hình thức trình bày. GV được chủ động lựa chọn bộ sách phù hợp với đối tượng học sinh, từ đó phát huy hiệu quả dạy – học.

Thứ tư, để GV thực sự trở thành hạt nhân cốt lõi của đổi mới giáo dục, chúng ta tuy nói rất nhiều về việc trao quyền cho GV, nhưng nếu GV không được chọn sách mình dạy, thì quyền đó vẫn là hình thức. Nhiều bộ sách là cơ hội để GV được chủ động lựa chọn – trên cơ sở chuyên môn, sự hiểu biết về học sinh và năng lực cá nhân.

Khi được tin tưởng, GV sẽ phát huy vai trò người thiết kế hoạt động học tập, chứ không chỉ là người “truyền thụ” kiến thức một chiều như trước. Mỗi bộ sách là một cách nhìn, một con đường. Dù có thể khác nhau về ngôn ngữ thể hiện, tất cả vẫn cùng chung mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện “một chương trình – nhiều bộ SGK ” là con đường cần thiết – bởi nó mở ra cánh cửa cho một nền giáo dục khai phóng, dân chủ và phù hợp hơn với từng học sinh.

Thứ năm, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại và các nước tiên tiến. Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Đức… đều cho phép tồn tại nhiều bộ SGK trong một chương trình thống nhất, tạo nên sự đa dạng nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất về chuẩn đầu ra. Việt Nam áp dụng mô hình này là phù hợp với xu hướng giáo dục mở, hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, thực hiện đúng tinh thần dân chủ và phân quyền trong giáo dục: Giao quyền cho các địa phương, cơ sở giáo dục, GV trong việc lựa chọn SGK phù hợp giúp tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học. Đồng thời cũng là cách thể hiện sự tin tưởng vào đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục.

PV: Thực tế GV ở Trường THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình (Hà Nội) chọn SGK diễn ra như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Phương Lan: Hằng năm, việc lựa chọn SGK tại trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình được thực hiện theo đúng quy trình, các bước lựa chọn: - Bước 1: Giáo viên nghiên cứu các bộ sách (3 bộ), sau đó hoàn thành phiếu lựa chọn cá nhân (ghi rõ lí do lựa chọn). - Bước 2: Tổ/nhóm chuyên môn họp tổ chức nhận xét, đánh giá, trao đổi, thảo luận về ưu/nhược điểm từng bộ sách; sau đó tiến hành bỏ phiếu kín để lựa chọn SGK. Sự lựa chọn hoàn toàn thuộc về quyền tự chủ và trách nhiệm với chuyên môn của mỗi giáo viên. - Bước 3: Tổ/nhóm chuyên môn kiểm phiếu công khai, tổng hợp báo cáo kết quả và đề xuất bộ sách được lựa chọn nộp cho nhà trường. - Bước 4: Nhà trường tổ chức họp Hội đồng lựa chọn SGK, đưa ý kiến đề xuất của bộ môn; trao đổi, thảo luận và biểu quyết về kết quả lựa chọn SGK. - Bước 5: Nhà trường tổng hợp nộp Sở báo cáo kết quả đề xuất lựa chọn SGK. Bộ SGk nhà trường đang sử dụng hằng năm do chính GV trực tiếp giảng dạy lựa chọn. Hằng năm cũng có sự điều chỉnh giữa các bộ sách cho phù hợp với công tác giảng dạy của thầy và học tập của trò. Ví dụ, năm đầu tiên có 5 môn lựa chọn bộ sách Cánh Diều, 8 môn lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Sang năm thứ hai thực hiện Chương trình GDPT 2018, có 6 môn lựa chọn bộ Cánh Diều, 7 môn lựa chọn Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Cánh Diều là bộ SGK chất lượng, tài nguyên học liệu phong phú, phù hợp với thầy và trò. Giáo viên trường Nguyễn Trãi rất tâm đắc với bộ sách này.

Cảm ơn TS. Nguyễn Thị Phương Lan về cuộc trao đổi này!

a2-cd.jpg
Giờ học môn Toán của cô và trò
a3-cd.jpg
GV tham gia hội chợ sách giáo khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.