Khi con dậy thì sớm

GD&TĐ - Khi con dậy thì sớm, nhiều cha mẹ băn khoăn không biết nên làm thế nào, không biết có phải con mình bị bệnh không. Với các gia đình có trẻ dậy thì sớm, bố mẹ, ông bà chính là người phải “vào cuộc” để hiểu đúng về dậy thì sớm ở trẻ; theo dõi và có phương pháp điều trị thích hợp là điều cần thiết.

Khi con dậy thì sớm

Nỗi lo mang tên “dậy thì sớm”

Chị Nguyễn L.H - một người mẹ đang điều trị cho con gái tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ: “Bắt đầu bước vào lớp 2 con gái tôi đã có biểu hiện dậy thì. Trước đây, con tôi vốn hoạt bát, nhanh nhẹn, đi học về thường hay kể chuyện, hát hò cho cả nhà nghe. Ngày hôm đó, con đi học về nhưng thấy bé ít nói và có vẻ hoảng sợ. Nghĩ con bị ốm nhưng tôi sờ trán không thấy sốt. Rồi con òa khóc bảo chân con không biết vì sao lại bị chảy máu. Tôi nghĩ con ngã nhưng khi kiểm tra sửng sốt thấy con có máu kinh nguyệt. Lúc ấy, tôi đã rất hoang mang..”.

Dù đã dậy thì nhưng con gái chị L.H nhiều khi vẫn không hiểu vì sao mình phải dùng đến băng vệ sinh. Khốn khổ nhất là mỗi lần “đến tháng”, chị phải tranh thủ giờ trưa đón con từ trường học về nhà thay băng vệ sinh. Có những lần bận quá, chị phải gọi điện nhờ cô giáo chủ nhiệm.

Còn vô số những câu chuyện khác mà các mẹ có con dậy thì sớm phải đối mặt. Một người mẹ tâm sự: “Khi con chưa dậy thì, cháu vui vẻ chạy nhảy với bạn bè nhưng từ lúc dậy thì cháu thấy ngại chơi với các bạn”.

Cha mẹ cần làm gì khi con dậy thì sớm?

Theo TS. BS Đỗ Hoàng Dương, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường. Trước đây, trẻ ở độ tuổi 13 đối với nữ, và 16 đối với nam mới dậy thì. Hiện nay, có trẻ ở độ tuổi 8 đối với nữ và 9 đối với nam đã dậy thì.

Khi thấy con có những dấu hiệu dậy thì sớm, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là đưa con đi khám để tìm nguyên nhân. Nếu dậy thì sớm ở trẻ do những yếu tố bệnh lý như u nang buồng trứng, tuyến thượng thận có vấn đề hoặc có vấn đề ở não... thì trẻ cần được điều trị, thậm chí cần phẫu thuật nếu cần thiết. Nếu dậy thì sớm ở trẻ do những tác nhân bên ngoài hay do lượng hormone cao hơn mức bình thường, trẻ có thể sẽ được các bác sĩ can thiệp để kìm hãm bớt việc tăng tiết quá nhiều hormone sinh dục.

Cha mẹ cần chú ý đến tâm sinh lý của trẻ khi trẻ dậy thì sớm. Trẻ dậy thì sớm thường có trạng thái tâm lý hoảng sợ, bất an trước những biến đổi của cơ thể mà chúng không thể kiểm soát hoặc che giấu được. Trong khi đó có trẻ lại quá vô tư và chưa ý thức được về sự thay đổi của cơ thể cũng như cách chăm sóc cơ thể khi dậy thì. Vì vậy, cha mẹ cần chia sẻ, giải thích cho con hiểu và tâm sự với con như một người bạn, giúp con vượt qua sự khủng hoảng tâm lý.

Đặc biệt, trẻ dậy thì sớm thường lớn vọt so với các bạn cùng tuổi, nhưng sau vài năm trẻ ngừng phát triển và có thể không đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.

“Trẻ dậy thì sớm phát triển vtề sinh lý nhưng về tâm lý chưa thực sự phát triển đầy đủ, vì thế các bà mẹ cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị xâm hại tình dục” - TS.BS Đỗ Hoàng Dương khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ