Mở triển lãm ở tuổi 80 - “Em Tuyết” bày những tuyệt tác nude mà nữ họa sĩ đã dành cả cuộc đời để sáng tác theo phong cách rất riêng và có sức hút đặc biệt.
Hình tượng người phụ nữ nguyên thủy
Triển lãm “Em Tuyết” diễn ra tại HAKIO - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, Q.3, TPHCM) từ ngày 20/3 đến 2/4 - với những tác phẩm tuyệt đẹp được tuyển lựa từ khoảng 500 tranh của họa sĩ Kim Thái trong suốt hành trình 60 năm hoạt động nghệ thuật.
“Chồng bà, nhà điêu khắc Lê Công Thành (1932 - 2019) là gương mặt hàng đầu của điêu khắc Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Cả đời ông theo đuổi hình tượng nữ/phồn thực trong cả điêu khắc và tranh.
Đã có nhiều điêu khắc gia và họa sĩ chịu ảnh hưởng, hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm Lê Công Thành, vậy vì việc vợ ông - họa sĩ Kim Thái vẽ có nét của ông, cũng không có gì lạ”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho biết.
Sinh năm 1943 tại Bắc Ninh, họa sĩ Kim Thái bắt đầu vẽ tranh từ khoảng những năm 1962. Và đến năm 1972, bà tốt nghiệp chuyên ngành Sơn dầu Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Bà yêu và kính trọng thần tượng của mình - điêu khắc gia Lê Công Thành. Bà toàn tâm toàn ý chăm sóc, hậu thuẫn và đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp sáng tác của chồng.
Trải qua 60 năm với nhiều đề tài, từ phong cảnh, bộ đội, nông dân, dân quân, mẹ con, thiếu nhi… mà ở đề tài nào, bà cũng hoà làm bằng một sự đam mê nồng nhiệt và hết mình. Khi chồng qua đời, sự trống vắng vì thiếu người bạn đời thấu hiểu đã được bà cố gắng lấp đầy bằng việc sáng tạo nghệ thuật.
Nghệ sĩ Lê Công Thành từng nói với bà: “Trên tấm toan vuông, tranh cần đạt sự hài hòa tổng thể”. Bởi vậy, ngoài vai trò là một người chồng - Lê Công Thành chính là một người thầy lớn của Kim Thái.
Theo nữ họa sĩ, bà vẽ nude - khoả thân nghệ thuật một cách rất tự nhiên vì yêu vẻ đẹp nguyên thuỷ của con người và càng vẽ nhiều lại càng… nghiện. Nhiều người cho rằng, Kim Thái là nữ họa sĩ hiếm hoi có một khối lượng tranh nude đồ sộ và đa dạng. Tranh của bà mang phong cách và có sức hút rất riêng. Mỗi bức tranh đều toả ra những nét dung dị, phóng khoáng, tự nhiên và gợi cảm.
Từng vẽ nhiều đề tài trên các loại chất liệu như sơn dầu, bột màu, lụa, nhưng Kim Thái dành cho đề tài phụ nữ một đam mê bất tận. Bà vẽ họ, phần lớn là với một cơ thể trong hình dạng sơ khai, không xiêm áo, nhưng không phải để diễn tả sự cô đơn hay quằn quại đớn đau bản thể. Bà chỉ mặc nhiên để họ được là mình, phơi bày họ trong ánh sáng của tự tính.
Đây là người đàn bà đang cho con bú, kia là cô gái có cơ thể đẫy đà đang trong cơn say ái tình, kia nữa người đàn bà đang chải tóc, gội đầu, đang tắm, đang ngồi bên con chó, con mèo… Họa sĩ Kim Thái thường đặt họ vào trong các bối cảnh sinh hoạt đời thường.
Thấu cảm để thấy cái đẹp
Nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận định rằng, chính những phụ nữ nguyên thủy này đã cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của Kim Thái với Lê Công Thành. Các chủ đề khác thì dường như không, nhưng tranh phụ nữ của bà vô tư hơn, nữ tính hơn, ít chặt chẽ về bố cục, về kỹ thuật như tranh của Lê Công Thành.
Triển lãm “Em Tuyết” được lấy cảm hứng từ một phụ nữ tên Tuyết - một trong những mẫu nude ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày trước. Tuyết được họa sĩ Kim Thái chú ý vì có cơ thể cao to, thô mộc, chất phác. Vẻ đẹp của Tuyết không phải là vẻ đẹp đài các kiêu sa.
Với họa sĩ, chẳng có một định nghĩa cứng nhắc nào về cái đẹp. Bà nói rằng, cái đẹp chỉ có thể toát lên một cách tự nhiên từ cá tính, bản sắc riêng của mỗi con người. Những cái riêng ấy làm người họa sĩ say mê. Kim Thái là mẫu phụ nữ tinh tế và rất dịu dàng, tranh của bà đầy chất yêu đương, hạnh phúc và tươi mới.
Bởi vậy, những nét nude từ mẫu hình một phụ nữ thô mộc mang dáng hình nguyên thuỷ - vô tình làm “lộ” sự bất phàm về khí chất của cả nhân vật lẫn người họa sĩ.
Từng đường nét, hình khối, mảng màu… về phụ nữ có dáng vẻ khỏe khoắn đằm thắm, bình dị... đã khiến cho các tác phẩm nude của một người đàn bà vẽ về một người đàn bà càng thêm sức hút.
Tranh Kim Thái không chú trọng tả khối, thậm chí bà đã giản lược tả khối, vờn nét để tôn vinh bố cục và sự hài hòa của màu sắc. Khi vẽ phụ nữ khỏa thân, bà dường như khước từ việc mô tả cụ thể cơ bắp.
Đường cong, sự chuyển động của hình thể được diễn tả qua tư thế mẫu, được làm nổi bật trên cái nền hoặc tĩnh lặng hoặc có sự tham gia của các dải hay vệt màu khác lạ. Tất cả tạo ra tính khái quát cao cho hình tượng chính. Và người xem có cảm giác tranh bà thật phóng khoáng.
Nói như thế không phải họa sĩ vẽ những gì đơn giản mắt thấy, hay ghi chép những thứ hời hợt bên ngoài. Nghệ sĩ phải thấu cảm, phải chạm đến bản thể con người, chạm đến sự hoang sơ bản nguyên - để cảm nhận cái đẹp, cái hay, và cái đáng đưa vào tác phẩm.
Họa sĩ Kim Thái thẳng thắn rằng, rất ngại để nói về tranh, và cũng rất ngại để người khác viết gì đó về mình. Bà muốn lặng lẽ chuyển tải cái đẹp, cái thiện như suốt 60 năm qua đã làm. Với nghệ thuật, bà quan niệm rằng đó là trách nhiệm của nghệ sĩ.
Lúc điêu khắc gia Lê Công Thành còn sống, bà thường tham gia triển lãm để chồng xem cho vui. Sau khi ông mất, bà ít mặn mà chuyện triển lãm, dù vẫn vẽ thường xuyên, thậm chí vẽ nhiều. Vì vậy, triển lãm cá nhân “Em Tuyết” cũng là sự bất ngờ mà Kim Thái mang đến cho công chúng mộ điệu.