Khen ngợi đúng cách sẽ nâng cao lòng tự trọng cho trẻ

GD&TĐ - Khen ngợi được coi là một trong những cách thức hữu ích trong dạy dỗ, giáo dục trẻ. Khen ngợi có thể giúp trẻ thấy mình là người có giá trị. Tuy nhiên, đây lại là công việc khó khăn và đòi hỏi sự tinh tế của người lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hệ lụy khi giảm uy tín của trẻ

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một đứa trẻ thường xuyên được động viên, khuyến khích ngay cả khi mắc lỗi sẽ có xu hướng tự tin và vững vàng hơn trong tương lai. Ngược lại, nếu bạn thường xuyên nghi ngờ khả năng của con mình thì dần dần con sẽ mặc cảm, tự ti và không dám thể hiện mình.

Ai cũng mong muốn con mình trở nên nổi bật và thành công. Nhiều người thường mang con mình ra so sánh với "con nhà người ta", thậm chí tìm mọi cách hạ uy tín của con với tham vọng để con biết xấu hổ mà "cay cú", phấn đấu đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là một phương pháp hoàn toàn sai lầm bởi khi bị giảm uy tín đồng nghĩa với việc trẻ sẽ giảm động lực phấn đấu và nguy cơ tụt hạng cũng theo đó mà tăng lên.

Sức mạnh của sự động viên

Lời động viên, khen ngợi đúng lúc, đúng cách luôn có tác dụng vô cùng to lớn. Đơn giản nếu bạn muốn gọi con dậy để đi học, thay bằng quát tháo và mắng mỏ gây ức chế cho trẻ, mẹ có thể thay đổi giọng điệu và âm lượng cho mỗi lời đề nghị. Trẻ sẽ dễ dàng tuân thủ các yêu cầu khi cảm thấy được tôn trọng trong vai trò cùng hợp tác với người lớn để hoàn thành công việc chung.

Theo Adele Faber và Elain Mazlish (người Mỹ) - hai chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ em: "Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà những mặt tốt nhất của chúng được đề cao thì sẽ có khuynh hướng cảm thấy tốt hơn về bản thân. Chúng cũng có khuynh hướng đương đầu với thử thách cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, có khuynh hướng tự đặt ra cho mình những mục tiêu cao hơn so với những trẻ không đươc tôn trọng ở nhà.".

Giúp trẻ thấy mình là người có giá trị

“Mỗi khi chúng ta bày tỏ sự tôn trọng cảm xúc của trẻ, mỗi lần chúng ta cho trẻ cơ hội lựa chọn, hoặc cơ hội giải quyết vấn đề là trẻ đều phát triển lòng tự tin và lòng tự trọng”, Adele Faber và Elain Mazlish nói. Bên cạnh đó, khen ngợi sẽ giúp con trẻ xây dựng một hình ảnh và tự nhận thức về bản thân chúng một cách tích cực.

Hầu hết chúng ta thường mau chóng chỉ trích nhưng chậm khen ngợi đối với con. Cha mẹ nên đảo ngược lại trật tự này càng nhanh càng tốt. Lòng tự trọng của con cái là thứ có giá trị vô cùng lớn, chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội vun đắp lòng tự trọng cho con mình, lại càng không nên giao phó việc đó cho người khác.

Tuy nhiên, nếu không biết cách khen ngợi, cha mẹ có thể khiến trẻ nghi ngờ lời khen; gây lo lắng, hoặc buộc trẻ phải tập trung vào những khuyết điểm của mình; lời khen cũng có thể gây đe dọa và dẫn tới sự khước từ ngay lập tức… Adele Faber và Elain Mazlish tư vấn cách khen đúng – lời khen hữu ích gồm hai phần: Người lớn mô tả sự công nhận những gì họ nhìn thấy/cảm thấy; Sau khi nghe lời mô tả, trẻ sẽ có khả năng tự khen chúng.

Ví dụ, thay vì đánh giá: “Bài thơ này hay quá. Con làm thơ hay tuyệt” (điều này sẽ khiến trẻ nghi ngờ “mẹ có nói thật không nhỉ?) hãy mô tả: “Mẹ rất xúc động vì bài thơ về đại bàng của con. Mẹ thích nhất là câu…” (trẻ sẽ nghĩ: Mình có thể làm thơ hay. Ngày mai mình sẽ làm bài khác).

Một số lưu ý khi đưa ra lời khen:

1. Lời khen thích hợp với độ tuổi và tầm hiểu biết của con.

2. Tránh kiểu khen ngụ ý đến những khiếm khuyết hay thất bại trong quá khứ.

3. Hãy cẩn thận, lời khen nồng nhiệt quá mức có thể can thiệp vào khao khát hoàn tất công việc của trẻ.

4. Sử dụng lời khen một cách chọn lọc.

5. Có thể đúc kết lời khen thành một từ ngắn gọn. Ví dụ: Con hứa và đã về nhà lúc 5 giờ. Mẹ chỉ cần gọi đó là sự "đúng giờ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ