Hiện thực hóa đam mê
Những ngày này, Dương Tiến Anh, quê ở làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, đang miệt mài với những dự án nghiên cứu mới được phát triển từ đề tài nghiên cứu sinh.
Cách đây hơn 2 tháng, Tiến Anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Dược Hà Nội. Đề tài nghiên cứu sinh được chàng trai quê Thanh Hóa lựa chọn là: “Tổng hợp và đánh giá tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất N-hydroxyheptanamid, N-hydroxypropenamid và N-hydroxybenzamid mới hướng ức chế histon deacetylase”.
Nhớ lại cảm xúc hôm bảo vệ luận án tiến sĩ, Tiến Anh hồ hởi cho biết: “Lúc đó, em vừa hồi hộp, lo lắng vừa cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì, lần đầu tiên một công trình nghiên cứu kéo dài suốt 3 năm của mình cuối cùng đã hoàn thành.
Trước mặt các thầy, cô giáo là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Dược học, em có thể trình bày về công trình nghiên cứu của mình. Thời khắc ấy, em cảm thấy rất tự hào vì bao khó khăn, vất vả cuối cùng cũng được thầy, cô giáo ghi nhận và đánh giá cao".
Vốn có niềm đam mê cháy bỏng với môn Hóa học, Tiến Anh luôn dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu. “Khi học cấp ba, em rất tò mò về những phản ứng hóa học, cách mà các chất tương tác với nhau… Cũng vì thế, niềm đam mê với môn Hóa học, đặc biệt là Hóa dược trong em cứ lớn dần”, Tiến Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, chàng trai xứ Thanh chỉ tiến dần hơn với đam mê khi trở thành sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội, với bước ngoặt vào năm thứ ba đại học. Khi ấy, Tiến Anh đã mạnh dạn xin thầy hướng dẫn được tham gia vào nhóm nghiên cứu của thầy tại bộ môn Hóa dược.
Được sự đồng ý của thầy, Tiến Anh đã chính thức bước vào con đường nghiên cứu khoa học. Từ những kiến thức được học ở trên lớp, Tiến Anh có cơ hội được thực hành nhiều hơn. Sau mỗi lần như thế, Tiến Anh đã rèn luyện cho mình khả năng ghi nhớ kiến thức một cách có hệ thống.
Theo chàng trai 9X, một đề tài nghiên cứu thường trải qua nhiều bước khác nhau. Bắt đầu là ý tưởng, sau đó mới đến công đoạn viết đề cương thiết kế nghiên cứu, thực nghiệm, xử lý kết quả… Cuối cùng là gửi đăng báo và trả lời phản biện.
Tuy nhiên, Tiến Anh cho rằng, ý tưởng nghiên cứu là quan trọng nhất. Bởi, ý tưởng nghiên cứu tốt với tính khả thi cao và có ý nghĩa thực tiễn là vô cùng cần thiết đối với một đề tài nghiên cứu.
Với đề tài nghiên cứu sinh của mình, Tiến Anh cho biết: Bệnh ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Trong khi đó, các thuốc chống ung thư hiện đang sử dụng trong lâm sàng có tác dụng không chọn lọc và có giá thành cao. Vì vậy, nghiên cứu và phát triển thuốc chống ung thư là việc vô cùng bức thiết.
Theo Tiến Anh, các thuốc mới tìm kiếm theo con đường này thường có hiệu quả tốt. Đồng thời, còn tăng độ chọn lọc và làm giảm các tác dụng không mong muốn.
“Khi khai thác đề tài về các dẫn chất ức chế enzym histon deacetylase thời gian còn là sinh viên, em nhận ra nhiều tiềm năng để khai thác. Cũng vì vậy, em tiếp tục theo hướng nghiên cứu này khi thực hiện đề tài nghiên cứu sinh”, Tiến Anh nói.
Trong giai đoạn làm đề tài nghiên cứu sinh, chàng trai 9X thực hiện nhiều hướng nghiên cứu. Cụ thể, như hướng nghiên cứu thiết kế, tổng hợp và đánh giá hoạt tính sinh học như ức chế histon deacetylase, hoạt hóa enzym caspase, hoạt tính ức chế enzym AchE.
Tuy nhiên, hướng nghiên cứu mà Tiến Anh tập trung chủ yếu là khả năng ức chế tế bào ung thư hướng ức chế histon deacetylase. “Với cá nhân em, việc lựa chọn hướng nghiên cứu theo mục tiêu phân tử là để tìm kiếm các dẫn chất có hoạt tính sinh học tốt. Từ đó, góp phần làm phong phú thêm thư viện các dẫn chất có tác dụng kháng ung thư”, Tiến Anh bộc bạch.
Khát vọng cống hiến hết mình
Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu sinh cũng là giai đoạn vô cùng áp lực đối với Tiến Anh. Suốt hai 2 năm đầu nghiên cứu, Tiến Anh vừa phải sắp xếp thời gian phù hợp giữa việc học trên lớp và thực hành ở phòng thí nghiệm.
“Thời gian đó, em cố gắng tận dụng tối đa những lúc rảnh rổi để làm việc. Nhiều hôm em phải tranh thủ lên lab từ 6 – 7 giờ sáng để thiết kế thí nghiệm, rồi lại vội vàng lên giảng đường. Sau khi kết thúc buổi học, em mới có thể quay lại phòng thí nghiệm xem kết quả.
Có những buổi mày mò làm thí nghiệm từ sáng đến chiều muộn, nhưng cũng chưa ra kết quả. Tối về, lại đọc tài liệu đến tận đêm khuya để tìm ý tưởng giải quyết vấn đề đang vướng mắc. Có đôi lúc trong đầu thoáng qua ý định bỏ cuộc, nhưng mỗi lúc như thế, em lại nghĩ tới lý do bắt đầu”, Tiến Anh bộc bạch.
Bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ tận tình của thầy, cô giáo bộ môn Hóa dược – Trường Đại học Dược Hà Nội, Tiến Anh đã vượt qua những khó khăn, áp lực trong suốt qua trình thực hiện đề tài nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, trong thời gian nghiên cứu sinh, Tiến Anh còn viết nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí uy tín. Đến nay, đã có 14 bài viết của chàng trai xứ Thanh được đăng trên các tạp chí quốc tế chuẩn ISI. Ngoài ra, còn có 4 bản quyền sáng chế đăng ký quốc tế và hơn chục bài viết đăng trên các tạp chí trong nước.
Là chàng trai sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả ở tỉnh Thanh. Tuy nhiên, được sự động viên và khích lệ từ gia đình, Tiến Anh đã từng bước hiện thực hóa đam mê của mình.
Chia sẻ về những dự định ấp ủ trong tương lai, Tiến Anh cho biết, sẽ tiếp tục gắn bó với nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy tại ngôi trường phù hợp với chuyên môn.
“Nếu có cơ hội, em cũng muốn được tiếp tục học tập, nghiên cứu tại một trường đại học hoặc viện nghiên cứu nào đó trên thế giới. Qua đó, có thể tiếp cận những hướng nghiên cứu mới, rồi trở về cống hiến cho đất nước”, Tiến Anh chia sẻ.
Cuối tháng 11/2021 vừa qua, tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ lần thứ 20, Dương Tiến Anh đạt giải Nhất, được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Bằng khen.
Hiện nay, Dương Tiến Anh là trợ lý nghiên cứu bộ môn Hoá dược, Trường Đại học Dược (Hà Nội). Khoảng 1 tháng nữa, sau khi nhận bằng tiến sĩ, Dương Tiến Anh sẽ chuyển sang làm giảng viên tại trường.
Sinh viên Nguyễn Thị Thu Hằng (Khoa Dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội) chia sẻ: “Em là một trong số những bạn may mắn được anh Tiến Anh hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học. Đối với em, anh ấy là một người tâm huyết và tận tình trong công việc.
Thời gian đầu khi mới tham gia làm nghiên cứu, mọi thứ với em còn quá nhiều bỡ ngỡ. Khi ấy, em được anh Tiến Anh hỗ trợ rất nhiều trong việc làm các thí nghiệm, như: đọc tài liệu và phân tích, điện giải kết quả…”.