Khảo sát vì chất lượng

GD&TĐ - Lâu nay, việc khảo sát chất lượng được nhiều địa phương, nhà trường triển khai khá thường xuyên.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Quy mô khảo sát ở cấp độ trường, hoặc trên địa bàn quận/huyện, hay tỉnh/thành. Mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian khảo sát có thể khác nhau tùy từng trường, địa phương. Hai thời điểm khảo sát phổ biến là đầu hoặc khoảng cuối năm học.

Kỳ khảo sát đầu năm học thường được tổ chức nhằm đánh giá chất lượng học sinh, xác định đầu vào của lớp đầu cấp để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, hiệu quả. Nhiều nơi sử dụng kết quả khảo sát như một trong các căn cứ đánh giá mức độ phấn đấu thực hiện nhiệm vụ năm học.

Kỳ khảo sát gần cuối năm lại thường được triển khai tới đối tượng học sinh cuối cấp (lớp 9, 12) để đánh giá kết quả học tập, ôn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường điều chỉnh kế hoạch, nội dung ôn tập sát với từng đối tượng; đồng thời, giúp học sinh nắm vững hình thức, cách thức làm bài thi, rèn luyện tâm lý, tạo tâm thế tốt trước kỳ thi quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT...

Cũng có địa phương triển khai khảo sát để đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập sau một giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhằm tìm giải pháp hiệu quả hơn cho lộ trình tiếp theo… Mục tiêu chung các kỳ khảo sát hướng tới là nhằm cải tiến chất lượng giáo dục.

Hiện nay, vẫn có quan điểm, góc nhìn khác nhau về vấn đề nên hay không tổ chức các kỳ khảo sát. Những mục đích như nói đến ở trên chưa thuyết phục được ý kiến không đồng tình; bởi họ cho rằng, quá trình học tập, kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT đủ để nắm được tình hình học tập của học sinh.

Chưa kể, tổ chức khảo sát, đặc biệt ở quy mô lớn sẽ tốn sức người, sức của, tăng thêm áp lực cho người học. Trong khi đó, chủ trương của Bộ GD&ĐT là giảm áp lực thi cử - một thể hiện rõ ràng từ các quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh ở cả cấp tiểu học, THCS và THPT.

Nhưng, trên thực tế, những kỳ khảo sát chất lượng vẫn được nhiều địa phương tổ chức, thậm chí tổ chức thành thông lệ hằng năm. Điều đó cho thấy hoạt động này đem lại ý nghĩa nhất định đối với giáo dục.

Tổ chức khảo sát nhằm đánh giá chất lượng giáo dục đối với học sinh trên một bình diện chung, phục vụ cho chỉ đạo chuyên môn của ngành Giáo dục là tùy nhu cầu từng địa phương. Tuy nhiên, cần tránh việc sử dụng kết quả này để xếp lớp, dẫn đến cuộc đua vào “lớp chọn”. Cũng nên cân nhắc việc sử dụng kết quả khảo sát thay cho điểm kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ bởi bài khảo sát đánh giá cả một quá trình dài học tập, trong khi kiểm tra thường xuyên, định kỳ đánh giá từng giai đoạn nhất định.

Thực hiện khảo sát cũng cần có kế hoạch, xây dựng được đề thi chất lượng, lưu ý thời gian khảo sát phù hợp, tránh giai đoạn có nhiều bài kiểm tra khiến người học gia tăng áp lực, căng thẳng. Cuối cùng, chỉ qua một bài kiểm tra khảo sát không thể đánh giá được năng lực học sinh. Hiểu về người học, đánh giá chính xác người học phải từ cả quá trình giáo viên quan tâm, theo dõi sát sao. Do đó, có lẽ chỉ nên coi khảo sát như một tham khảo, hỗ trợ cho đích cuối cùng là giúp người học tiến bộ, đạt được mục tiêu học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ