Khẳng định quyền tự chủ về giá của tổ chức, cá nhân SXKD

Khẳng định quyền tự chủ về giá của tổ chức, cá nhân SXKD

(GD&TD)-Chiều 3/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ về các dự án Luật Giá, nhiều ĐBQH có chung ý kiến khẳng định: Luật đã xây dựng được cơ chế khẳng định quyền tự chủ về giá, quyền cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường.

n
Dự luật khẳng định quyền tự chủ về giá, quyền cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường (ảnh MH)

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ đã trình lên Quốc hội dự án Luật giá gồm 5 Chương và 51 Điều với những nội dung cơ bản sau:

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh của Luật là về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; cơ chế quản lý và hoạt động điều tiết giá của Nhà nước. Đối tượng áp dụng của luật là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực giá.

Về nguyên tắc quản lý giá, dự thảo Luật đưa ra 2 nguyên tắc: Một là, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hai là, Nhà nước thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính theo quy định của Luật này để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.

Về thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, dự luật quy định 3 cấp có thẩm quyền là Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh; tài nguyên quan trọng; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.

Về quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dự thảo Luật đã quy định để khẳng định rõ hơn, cụ thể hơn và mở rộng hơn quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giá theo hướng được tự định giá, điều chỉnh giá mua bán hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh (trừ hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá); được cạnh tranh về giá thông qua các cơ chế: đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá, hiệp thương giá và các hình thức cạnh tranh về giá khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết so với Pháp lệnh Giá hiện hành và sau khi nhận được ý kiến thẩm tra sơ bộ trước đó, dự thảo Luật Giá đã được hoàn thiện một bước, chi tiết hơn một số nội dung như quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; về điều tiết giá của Nhà nước, về thẩm định giá.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng quy định vai trò quản lý Nhà nước về giá là cần thiết nhằm hạn chế tiêu cực ở thị trường. Tuy nhiên với tính chất là đạo luật về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong quá trình định giá hàng hóa, dịch vụ thì một số quy định vẫn thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu như Pháp lệnh Giá.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh các quy định theo hướng: Thứ nhất, Nhà nước chỉ quản lý giá dưới góc độ là cơ quan ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và điều tiết ở mức độ nhất định dựa trên nguyên lý về sự vận động của giá cả theo cơ chế thị trường.

Thứ hai là Nhà nước chỉ can thiệp vào giá bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu khi thị trường có biến động lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân…

Ngoài ra, một số nội dung của dự thảo Luật còn mang định tính. Việc quy định chung chung sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, đặc biệt sẽ dân đến việc Nhà nước tiếp tục can thiệp quá sâu vào quy luật vận hành của giá cả, thị trường. Ủy ban đề nghị rà soát, cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung chưa được quy định chi tiết.

Theo chương trình, ngày 8/11, các đại biểu sẽ thảo luận dự Luật Giá tại tổ và ngày 18/11 dự luật này sẽ được đại biểu thảo luận tại Hội trường.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.