Sau đám cưới vào năm 2010, chị Hoa đóng cửa căn nhà được bố mẹ cho và cửa hàng của mình để về nhà chồng làm dâu và sinh con ngay. Với kinh nghiệm và số vốn sẵn có, chị cùng chồng mở một xưởng sản xuất bún, phân phối cho các chợ ở thị xã Bình Long, Bình Phước. Chị chăm con, kiểm tra sản phẩm và ghi sổ sách. Còn anh thì sản xuất, bán và giao hàng.
Khi chị sinh con thứ hai được một năm thì phát hiện chồng ngoại tình với cô gái trẻ làng bên. Được bố mẹ ủng hộ, chị bế con trai khi đó mới hai tuổi ra đi. Năm 2016 họ ly hôn. Anh được nuôi con gái lớn tên Tuyến, chị nuôi con trai. Cả hai chẳng phải cấp dưỡng cho con.
Với số vốn sẵn có, chị xây thêm phòng trọ cho thuê trên mảnh đất bố mẹ cho và mở lại cửa hàng bán đồ nông sản và nước uống, thu nhập mỗi tháng hơn 20 triệu đồng. Những lần được mẹ đón qua chơi với em, bé Tuyến chẳng muốn về với ba. Hỏi ra chị mới biết anh để con cho người khác nuôi, còn mình ở với bạn gái.
Chị kiện thay đổi quyền nuôi con và được tòa chấp nhận. Không đồng ý, anh kháng cáo. Anh cho biết, thu nhập mỗi tháng hơn 100 triệu đồng từ việc kinh doanh bún, vì thế thừa đủ khả năng cho con cuộc sống tốt. Vị thẩm phán nghe trình bày thấy anh không có nhà riêng, phải ở cùng bố mẹ mà lại có thu nhập cao là bất thường. Bà cho dừng phiên tòa để đi xác minh. Theo đó, xưởng sản xuất bún do anh đứng tên chỉ đăng ký với số vốn 5 triệu đồng và có 9 người làm cùng. Số tiền anh có được chỉ 10 -15 triệu đồng/tháng.
Bà chi Hội trưởng Hội phụ nữ nơi anh đang ở xác nhận, anh Tuấn không quan tâm con gái, chỉ lo cho cuộc sống riêng. Mọi sinh hoạt của bé Tuyến trong hơn hai năm ở với ba phải phụ thuộc vào ông bà, chú bác bên nội. Nhận định anh không có trách nhiệm một người cha, hồi tháng một vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước giao bé Tuyến cho chị Hoa trực tiếp nuôi dưỡng.
Anh Tuấn thừa nhận vì muốn chiến thắng vợ cũ để không bị bạn bè chê cười là kẻ không nhà cửa, vợ con, nên đã khai khống thu nhập. Anh không ngờ sự việc lại bị phát hiện.
Về phần chị Hoa, hiện tại, dù phải đầu bù tóc rối với việc nuôi hai con nhỏ và buôn bán, chị vẫn thấy may mắn khi được ở bên, yêu thương các con, và thấy cuộc sống thật ý nghĩa.
Hơn 30 năm xét xử các vụ án hôn nhân gia đình, thẩm phán Lê Thị Hằng, nguyên Chánh án TAND quận 4 (TP HCM), việc làm của anh Tuấn mang tâm lý muốn thắng người kia cho bõ tức, cũng là tâm lý của nhiều người đi kiện. Họ cứ nghĩ, dùng chứng cứ giả hoặc khai khống thì phần thắng sẽ thuộc về mình. Thực ra, mỗi tài liệu, thông tin đương sự cung cấp sẽ được xác minh từ nhiều nguồn khác nhau.
Vị thẩm phán còn nhớ một người cha, vì muốn thắng kiện quyền nuôi con nên tố vợ cũ nợ nhiều người và có giấy tờ hẳn hoi làm vụ án kéo dài suốt hơn hai năm. Đến khi thẩm phán dùng đòn tâm lý, người cha mới khai sự thật và mất quyền nuôi con.
“Khi xét xử, tòa sẽ căn cứ vào các yếu tố kinh tế, điều kiện chăm sóc, tình yêu cha mẹ dành cho các bé và nguyện vọng của bé khi bé đủ 7 tuổi, vì thế, đừng vì chỉ muốn thắng kiện mà làm những việc sai trái”, vị thẩm phán nói.