Giữ lại cho HS sự háo hức trong ngày khai giảng
Theo như thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 2/4, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), 7 giờ 30 phút tối 3/9, HS lớp 2/4, dưới sự hỗ trợ của phụ huynh đã có buổi “tập trung” đầu năm học qua phần mềm Google Meet.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Vân, giáo viên chủ nhiệm đã dành khoảng 20 phút để làm quen với học sinh. Cô giáo chủ nhiệm thông báo đến HS và phụ huynh danh mục sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập cần chuẩn bị cho năm học mới. HS nghe cô giáo phổ biến nội quy lớp học, bầu ban cán sự lớp, thời khóa biểu học trực tuyến của tuần học đầu tiên. Cô Cẩm Vân cũng nhờ phụ huynh hỗ trợ HS trong thời gian các em sẽ học trực truyến như cách tải video bài giảng, hướng dẫn HS làm bài vào vở bài tập, chụp lại bài làm của HS để nộp lại cho cô giáo.
Trước đó, một group lớp đã được GVCN lập qua nhóm chat Zalo để thông báo đến phụ huynh những thông tin cần thiết như sơ đồ vị trí phòng học, danh sách GV bộ môn, hình thức học qua Internet.
Đây là cách mà các trường học ở Đà Nẵng sử dụng để GV và phụ huynh làm quen với nhau, tổ chức các hoạt động đầu năm học trong điều kiện HS không thể đến trường trong ngày tựu trường.
Trường THPT Hòa Vang (quận Cẩm Lệ) tổ chức hoạt động chào năm học mới lúc 8 giờ dưới hình thức trực tuyến bằng phần mềm Zoom Cloud Meetings. Để hoạt động chào năm học mới diễn ra ý nghĩa và long trọng, nhà trường tải clip “âm vang tiếng trống”, các tiết mục văn nghệ lên website, trang Facebook của nhà trường.
Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) sử dụng 2 trang fanpage của trường và Đoàn trường để đăng tải các hoạt động chào năm học mới. Ngoài clip giới thiệu danh sách HS lớp 10 cùng GVCN, cơ sở vật chất của trường, còn có tiết mục văn nghệ của HS, GV nhà trường chào mừng năm học mới. Dù khai giảng “trực tuyến” nhưng vẫn có hình ảnh thầy hiệu trưởng đánh trống khai giảng. Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) sẽ giới thiệu kỹ hơn về các thầy cô giáo bộ môn, riêng GVCN các lớp sẽ tự giới thiệu trên group của lớp để làm quen với HS.
Những nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo các trường nhằm hướng tới mục tiêu dù không thể đến trường nhưng HS vẫn có một ngày khai giảng thực sự có ý nghĩa. Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong sáng ngày 5/9, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình TP thực hiện chương trình tọa đàm “Đà Nẵng – Chào năm học mới” để chia sẻ đến GV và HS thông điệp đầu năm học cũng như công tác triển khai năm học mới 2020 – 2021 tại các trường học.
VNPT Đà Nẵng đã hoàn thiện và cho ra mắt chức năng khai giảng trực tuyến trên hệ sinh thái Giáo dục vnEdu mà các trường đang sử dụng. Chức năng này cho phép nhà trường chia sẻ các đường link phát trực tuyến khai giảng để phụ huynh, HS có thể tham dự kỳ khai giảng “đặc biệt” qua các thiết bị có kết nối Internet.
Sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Việc dạy học sẽ bắt đầu từ ngày 7/9 với hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo học sinh đến trường.
Theo đó, đối với lớp 1, trong điều kiện HS chưa trở lại trường, các trường vẫn tổ chức “tuần lễ làm quen”. GV sẽ lựa chọn những nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho HS sẵn sàng vào học lớp 1. Với học sinh lớp 2 - 5, các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn học sinh tự học, ôn tập kiến thức, giao nội dung, bài tập và sửa bài tập cho học sinh; nhà trường hướng dẫn các giáo viên có biện pháp quản lý quá trình tự học.
Đối với giáo dục trung học, các trường THCS, THPT lựa chọn hình thức dạy học qua mạng phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường bảo đảm tổ chức dạy học qua mạng có chất lượng. Đối với môn Thể dục, tổ bộ môn/giáo viên của mỗi trường soạn bài hoặc sử dụng các bài tập có sẵn, tải các bài tập về thể dục tay không, trò chơi vận động đơn giản, dễ tập phù hợp với lứa tuổi học sinh các cấp học để học sinh có thể tập vào buổi sáng hoặc giữa buổi.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng lưu ý các đơn vị, trường học hướng dẫn GV vận dụng linh hoạt bài giảng trên truyền hình, trên mạng, sử dụng các phần mềm có bản quyền (bảo đảm tính bảo mật, an toàn) tổ chức tốt việc dạy - học trực tuyến; thường xuyên rà soát, đánh giá việc tham gia và hiệu quả tham gia của từng học sinh để xây dựng phương án củng cố, bồi dưỡng phù hợp.