Khắc phục tồn tại trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Sơn La đã chỉ ra những điểm còn hạn chế, tồn tại trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên theo qua công tác kiểm tra đầu năm học.

Khắc phục tồn tại trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên

Theo đó, một số cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp; khắc phục những yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên nên chưa có sự quan tâm, chỉ đạo cụ thể cũng như đầu tư thoả đáng về nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện để thực hiện có kết quả công tác này.

Công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên chưa xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng, kết quả đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và tình hình thực tiễn ở địa phương, nên chưa xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện.

Việc xác định nội dung bồi dưỡng đã chú trọng và làm khá tốt nội dung bồi dưỡng 1. Đối với nội dung bồi dưỡng 2 (bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học, bao gồm cả nội dung bồi dưỡng do các dự án thực hiện) hầu như không xác định được nhiệm vụ và nội dung phải bồi dưỡng.

Nội dung bồi dưỡng 3 (nội dung tự chọn), nhiều đơn vị do ban giám hiệu chọn chứ không xuất phát từ nhu cầu của giáo viên, nên chưa thực sự bù đắp những kiến thức, kỹ năng còn thiếu, còn yếu cũng như đáp ứng nhu cầu được bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Các nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực tự học, tự bồi dưỡng và hợp tác trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên chưa được quan tâm.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở quán triệt và nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thường xuyên, xác định rõ việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nên cần phải đầu tư thoả đáng về nguồn lực và đổi mới công tác quản lý để thực hiện có hiệu quả theo từng năm học.

Xây dựng kế hoạch cần xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và yêu cầu thực tiễn của giáo dục địa phương theo nhiệm vụ năm học hàng năm có đánh giá với Chuẩn nghề nghiệp giáo viên để xác định rõ nội dung và hình thức bồi dưỡng phù hợp.

Chủ động xây dựng nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học (nội dung 2).

Sử dụng trang mạng “Trường học kết nối” để tổ chức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý, đảm bảo việc bồi dưỡng theo nhu cầu cá nhân; phát huy hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ