Khắc phục bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Cô - trò Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội).
Cô - trò Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội).

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng

Hiến pháp năm 2013 khẳng định “nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” và "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" (Điều 61). Từ những căn cứ đã nêu trên cho thấy, việc bổ sung, pháp điển hoá các quy định về nhà giáo trong một đạo luật độc lập là cần thiết. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ khi xây dựng Luật Nhà giáo là, nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về giáo dục và nhà giáo.

Khi Xây dựng Luật Nhà giáo cần thiết kế chính sách theo hướng phân cấp mạnh mẽ, có chính sách ưu đãi, tôn vinh khen thưởng nhà giáo phù hợp.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, các tầng lớp nhân dân; đảm bảo tính khả thi, tăng cường truyền thông chính sách.

Về quan điểm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Vũ Minh Đức cho biết, Luật Nhà giáo phải có tác động, tạo điều kiện để kiến tạo và phát triển đội ngũ; mạnh dạn đưa ra một số chính sách mới, có tính đột phá để khắc phục được những bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo và không tạo thêm áp lực cho nhà giáo.

Từ những quan điểm nêu trên, ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm điều chỉnh một số vấn đề cơ bản, mang tính đặc thù của nhà giáo mà các luật hiện hành chưa có hoặc quy định không phù hợp, hoặc quy định còn mờ nhạt, thiếu cơ sở.

Ngoài ra, xây dựng Luật Nhà giáo cũng nhằm quy định một số chính sách mới để phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục, xây dựng Luật theo hướng cụ thể, hạn chế việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống. Cùng với đó, tranh thủ tối đa ý kiến của nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý và toàn xã hội.

Lớp học của một trường tiểu học thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Lớp học của một trường tiểu học thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Kinh nghiệm quốc tế

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong xây dựng, ban hành Luật điều chỉnh về nhà giáo và các chính sách về nhà giáo cho thấy, chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Tuy nhiên, chất lượng của nhà giáo phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc của họ và quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển họ.

Nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục. Nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các giá trị xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Vì lý do này, vị thế nghề nghiệp của nhà giáo phải được đề cập đến như là yếu tố chủ chốt của mục tiêu giáo dục.

Cũng theo dự thảo Tờ trình, các văn bản luật về nhà giáo trên thế giới vì thế khá đa dạng về mô hình/hình thức thể hiện, tùy thuộc mức độ phát triển về pháp luật giáo dục của quốc gia. Trong đó, có thể khái quát thành 3 mô hình cơ bản bao gồm:

Mô hình 1: Ban hành Luật Nhà giáo. Đó là trường hợp các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, kể cả lãnh thổ Đài Loan, hoặc các tỉnh của Canada. Nhìn chung các nước đang phát triển, có hệ thống pháp luật về giáo dục chưa phát triển, chọn cách ban hành Luật Nhà giáo.

Có thể là luật khung nhưng chủ yếu là luật chi tiết. Theo tài liệu về chính sách nhà giáo của UNESCO (2015), có 9 lĩnh vực chính sách nhà giáo như sau: Tuyển dụng và giữ chân nhà giáo; Đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo; Bố trí, phân công nhà giáo; Cơ cấu nghề nghiệp, con đường thăng tiến; Sử dụng nhà giáo và điều kiện làm việc; Tiền lương và các khoản thu nhập; Chuẩn nhà giáo; Trách nhiệm giải trình của nhà giáo; Quản trị nhà trường.

Đối chiếu với hệ thống chính sách trên thì có thể thấy phạm vi quy định của các Luật Nhà giáo nêu trên về cơ bản đều bao hàm đầy đủ hệ thống chính sách liên quan đến nhà giáo.

Mô hình 2: Xây dựng một chương hoặc một quyển về nhà giáo trong Bộ Luật Giáo dục. Đó là trường hợp của các nước có hệ thống pháp luật về giáo dục rất phát triển. Chẳng hạn Bộ Luật Giáo dục của Pháp gồm: 9 quyển, trong đó quyển 9 (Nhân sự giáo dục) gồm 7 phần, 29 chương, 98 điều quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, tiền lương và các lợi ích khác của nhà giáo và nhân sự giáo dục trong hệ thống giáo dục Pháp. Thực sự có thể coi Quyển 9 là Luật Nhà giáo của Pháp.

Mô hình 3: Ban hành luật nhằm thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo. Được quan tâm hơn cả là chính sách đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo (các luật về đào tạo giáo viên của Úc, Đức, Ấn Độ, Phần Lan, Áo…).

Tiếp theo là chính sách về chuyên nghiệp hóa nghề dạy học (các luật về chuẩn và đăng ký giáo viên ở Úc, Anh, Canada, Nhật…). Chính sách về lương và điều kiện làm việc của nhà giáo cũng được một số nước thể chế hóa thành luật như:

Luật về các điều kiện và lương giáo viên 1991 của Anh; Luật về công việc và lương giáo viên 2013 của Áo; Luật về các điều kiện làm việc của giáo viên 2003 của Lichenstein; Luật về các biện pháp đặc biệt về tiền lương và các điều kiện làm việc khác của nhân viên giáo dục tại các trường thuộc giáo dục bắt buộc công lập quốc gia và địa phương 1971 của Nhật Bản; Luật về tiền lương nhà giáo 2015 của Đài Loan.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, dự thảo Tờ trình đề xuất, việc lựa chọn mô hình 1 - xây dựng một Luật riêng về nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ phát triển luật pháp ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Dự thảo đề cương Luật Nhà giáo có 7 chương, 67 Điều. Cụ thể: Chương 1 – Quy định chung, gồm 8 Điều.

Chương 2 – Vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, gồm 5 Điều.

Chương 3 – Tiêu chuẩn, chức danh của nhà giáo, gồm 6 Điều. Chương 4 – Tuyển dụng, sử dụng, chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, gồm: 28 Điều.

Chương 5 – Đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo, gồm 7 Điều.

Chương 6 – Quản lý Nhà nước về nhà giáo, gồm 9 Điều

Chương 7 – Điều khoản thi hành, gồm 4 Điều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.