Khả năng Nhật can dự vào biển Đông

Nhật Bản có thể can dự vào xung đột ở biển Đông nếu quyết định mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á.

Ông Abe phát biểu trước bức tranh minh họa cảnh tàu Mỹ chở công dân Nhật bị tấn công
Ông Abe phát biểu trước bức tranh minh họa cảnh tàu Mỹ chở công dân Nhật bị tấn công

Đó là nhận định của Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ hai của Nhật trong tuần qua, ngay sau khi một ban cố vấn an ninh trình báo cáo cho Thủ tướng Shinzo Abe, với đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

Theo Asahi Shimbun, một số quan chức cấp cao của Nhật đã đề cập khả năng mở rộng quyền phòng vệ tập thể không chỉ đối với Mỹ mà còn cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Asahi Shimbun còn chỉ ra với tình trạng Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng theo sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam nếu Tokyo quyết định mở rộng áp dụng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á.

Nhiều nước trong số đó có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông và theo Asahi Shimbun, việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác này có thể là cách kiềm chế khả năng mở rộng trên biển của Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền Abe lập luận rằng Nhật cần có quyền tham gia phòng vệ tập thể để ứng phó các tình huống khẩn cấp ở những tuyến đường biển quan trọng, trong đó có biển Đông, theo tờ Asahi Shimbun.

Đến ngày 15/5, sau khi nhận báo cáo trên, trước báo giới, Thủ tướng Abe cũng lưu ý rằng ngay lúc ông phát biểu thì ở biển Đông đang xảy ra “vụ đối đầu nghiêm trọng do hành động đơn phương được hậu thuẫn bởi vũ lực”.

Theo tuần báo Defense News, ông Abe muốn ám chỉ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc theo sau vụ tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, một hành động đã bị Mỹ chỉ trích.

Ông Abe còn đưa ra một bức tranh minh họa kịch bản lực lượng từ một quốc gia hung hăng không được nêu tên tấn công một tàu Mỹ đang chở trẻ em Nhật và theo diễn giải Hiến pháp hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật không thể tham gia ứng cứu.

Do vậy, ông  Abe đặt vấn đề: “Chúng tôi, chính phủ Nhật, không thể làm gì để giúp họ. Bạn nghĩ điều đó có thật sự tốt không? Đây là một thực tế. Tôi nghĩ chúng có thể là con cháu của các vị”.

Theo Aashi Shimbun, chính sự quan ngại về Trung Quốc đã thúc ông Abe đẩy mạnh việc diễn giải Hiến pháp nhằm cho phép Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

Theo Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân G. phục hồi tốt sau phẫu thuật, vận động linh hoạt, ăn uống ngon miệng, xuất viện sớm. Ảnh: BVCC

Cứu bệnh nhân nhão cơ hoành

GD&TĐ - Lần đầu tiên, robot phẫu thuật được ứng dụng tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đã tạo hình cơ hoành cho người bệnh nhão hoành.