Vắc xin cho ý thức

GD&TĐ - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ngày càng diễn biến phức tạp. Nguy hiểm hơn dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ khi phát hiện ca nhiễm DTLCP đầu tiên, ngày 19/2/2019, tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đến nay các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN&PTNT đã có nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, hiện cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa phát hiện bệnh DTLCP.

Tại hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống DTLCP do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 11/7, Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 8/7, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 4.550 xã, 501 huyện của 62 tỉnh, thành phố (chưa qua 30 ngày). Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.856.722 con (chiếm khoảng hơn 8% tổng đàn lợn thực tế là trên 35 triệu con). Đã có 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã phải thốt lên rằng, hơn 2,8 triệu con lợn bị tiêu hủy là thiệt hại rất nặng nề cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Không những thế, Nhà nước còn phải “đeo” thêm gánh nặng kinh phí hỗ trợ tiêu hủy.

Vậy nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại trấn an người nuôi lợn rằng, dịch bệnh dẫu nguy hiểm nhưng không nên quá sợ hãi. Chúng ta có thể khống chế được DTLCP nếu tổ chức phòng chống bài bản. Trong đó, “vũ khí” đang rất hiệu quả là chăn nuôi an toàn sinh học, lấy phòng bệnh là chính. Rất nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn đã áp dụng quy trình này và hầu hết không bị dịch tấn công.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến DTLCP lây lan nhanh khắp toàn quốc đã được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ. Về phía các cơ quan chức năng, công tác ứng phó với dịch còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập chưa được khắc phục. Việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật làm phát tán, lây lan dịch.

Việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa được thực hiện nghiêm theo quy định. Đây đó vẫn còn tình trạng không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, khiến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.

Trong khi đó, phía người chăn nuôi dẫu đã được khuyến cáo, tuyên truyền vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đáng lên án hơn, nhiều hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh cũng không báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở mà tự ý điều trị cho lợn. Thậm chí, khi lợn chết còn vứt xác lợn ra ngoài môi trường, kênh, rạch…

Ngay tại hội nghị này, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng thông báo việc tổ chức nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng, chống DTLCP đang thu được những kết quả bước đầu khả quan. Một số mô hình ứng dụng các chế phẩm trong nâng cao khả năng đề kháng, lồng ghép với chăn nuôi lợn hữu cơ có tiến triển tốt. Đây là điều rất đáng mừng khi trên thế giới DTLCP được phát hiện tại Kenya cách nay 98 năm nhưng vẫn chưa có vắc xin phòng chống và không thể chữa trị.

Tuy nhiên, trong lúc nghiên cứu, sản xuất vắc xin để phòng, chống dịch trên diện rộng cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành, rất cần liều vắc xin cho ý thức của cả người chăn nuôi trực tiếp và người thực thi công vụ. Đó là chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi gây nguy hại cho cộng đồng và cả một ngành kinh tế lớn như đã nhắc đến ở trên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ